Nhằm thúc đẩy các mô hình phát triển kinh tế và khuyến khích người dân tại các Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM) đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06 quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh. Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện, nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù nói chung và trong phát triển kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi tỉnh và các ngành chức năng cần sớm triển khai các giải pháp để tháo gỡ trong thời gian tới.
Do vốn đầu tư lớn và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đất đai nên số lượng hộ đăng ký tham gia thực hiện mô hình du lịch homestay, farmstay tại các địa phương khá ít (Ảnh chụp tại một mô hình homestay tại Làng văn hóa kiểu mẫu thôn Đồng Bùa, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo).
Triển khai chính sách hỗ trợ mô hình kinh doanh dịch vụ - thương mại, tại LVHKM thôn Man Để, thị trấn Tam Hồng (Yên Lạc) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ đăng ký thực hiện. Đến nay, tại LVHKM Man Để có 1 hộ đăng ký thực hiện mô hình siêu thị mini, 1 hộ đăng ký thực hiện cửa hàng tiện lợi, 1 hộ đăng ký thực hiện cửa hàng ăn uống.
Các hộ đăng ký thực hiện mô hình chủ yếu là cải tạo, nâng cấp từ cơ sở hiện tại để đáp ứng điều kiện theo quy định, song, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về việc cải tạo nên khó khăn trong thực hiện; 1 hộ đăng ký mô hình siêu thị mini do nhà giáp mặt đường nên không có đủ diện tích, điều kiện về có bãi đỗ xe theo quy định.
Chính vì vậy, lãnh đạo địa phương đã đề nghị Sở Công thương - đơn vị phụ trách theo dõi tiêu chí này tham mưu UBND tỉnh nghiên cứu, điều chỉnh điều kiện cải tạo và bãi đỗ xe đối với mô hình siêu thị mini phù hợp với điều kiện thực tiễn ở LVHKM.
Không chỉ riêng chính sách hỗ trợ mô hình kinh doanh dịch vụ, quá trình triển khai một số chính sách khó có khả năng thực hiện, còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục được tháo gỡ như mô hình vườn sản xuất, mô hình du lịch Homestay, Farmstay...
Đến nay, trung bình ở mỗi LVHKM giai đoạn I đăng ký thực hiện từ 11 - 14 chính sách hỗ trợ đặc thù. Trên cơ sở đăng ký, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố đã và đang tập trung hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách, song, đến nay, chủ yếu mới dừng ở bước đăng ký, thẩm định chưa thực hiện hỗ trợ.
Riêng đối với chính sách hỗ trợ vay vốn để phát triển SXKD và dịch vụ, đã có 100% các LVHKM mẫu thực hiện giải ngân đến đối tượng có nhu cầu và đủ điều kiện với số tiền 100 tỷ đồng cho 571 hộ vay vốn.
Cụ thể, với chính sách hỗ trợ mô hình kinh doanh dịch vụ - thương mại có 37 hộ đăng ký thực hiện mô hình, sau khi thẩm định 6 hộ không đủ điều kiện, 3 hộ ở Phúc Yên đã thực hiện xong và được hỗ trợ với tổng số tiền 125 triệu đồng, 28 mô hình đang tiếp tục hoàn thiện trình tự, thủ tục theo hướng dẫn.
Điều kiện để được hỗ trợ đối với một số chính sách so với thời điểm hiện tại theo phản ánh của các địa phương là khó thực hiện về diện tích siêu thị mini hoặc cửa hàng tiện lợi; về bãi đỗ xe khiến số lượng các hộ đăng ký tham gia hạn chế, nhiều mô hình không có người tham gia (Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu đặc trưng).
Với mô hình du lịch Homestay, Farmstay, đến nay có 5 hộ đăng ký thực hiện gồm huyện Sông Lô (1 hộ), Tam Đảo (2 hộ), thành phố Phúc Yên (2 hộ). Nhưng đến nay, chỉ có 1 hộ ở Tam Đảo đang triển khai thực hiện, các hộ còn lại mới dừng ở việc đăng ký mà chưa thực hiện.
Chính sách hỗ trợ điểm du lịch cộng đồng, hỗ trợ mô hình du lịch homestay, farmstay gặp nhiều khó khăn do chính sách về đất đai, mức hỗ trợ thấp so với chi phí đầu tư các hộ thực hiện.
Toàn tỉnh hiện có 15 làng đăng ký triển khai chính sách mô hình vườn sản xuất với 72 mô hình; trong đó đã có 33 hộ được UBND cấp huyện chấp thuận thực hiện mô hình và có 4 mô hình đã được chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh (3 mô hình ở TDP Tam Quang, thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên và 1 mô hình ở thôn Cao Quang, xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên).
Cửa hàng tiện lợi của gia đình ông Nguyễn Xuân Tập, thôn Đồng Bùa, xã Tam Quan (Tam Đảo) đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân
Tuy nhiên, diện tích các vườn hộ nhỏ không đạt tiêu chí như quy định nên các hộ không đăng ký; mặt khác, nội dung hỗ trợ theo Nghị quyết là “Vườn tạo lập mới”, vì vậy số hộ đủ điều kiện đăng ký tham gia được hưởng chính sách rất ít; kinh phí thực hiện để cấp giấy chứng nhận mô hình vườn theo tiêu chuẩn VietGAP cao (trung bình từ 30 - 40 triệu đồng/giấy chứng nhận), ngân sách Nhà nước không hỗ trợ nên chưa có hộ đăng ký thực hiện.
Xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện xây dựng LVHKM giai đoạn I, trong đó, có những vướng mắc khách quan, khó tháo gỡ (tiêu chuẩn, điều kiện theo các quy định của pháp luật hiện hành cao, khó áp dụng vào thực tiễn để hỗ trợ), tại cuộc họp đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện chương trình mới đây, tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, nghiên cứu điều chỉnh việc thực hiện chính sách hỗ trợ để phù hợp với tình hình thực tế các địa phương và đảm bảo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Theo đó, trước mắt, các sở ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các thôn, tổ dân phố trong thực hiện các tiêu chí, chính sách xây dựng LVHKM tại các thôn, tổ dân phố đã chọn làm điểm.
Đồng thời khẩn trương lập điều chỉnh các loại quy hoạch, kế hoạch liên quan đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 158; rà soát, kiểm tra kỹ lại các quy định, yêu cầu, điều kiện, tiêu chí, chính sách, những khó khăn, vướng mắc thực tế của địa phương để đề xuất xây dựng chương trình trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Hồng Nhật