Chủ lực là công nghệ sinh học, khoa học công nghệ đang đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
Nhờ áp dụng tốt quy trình sản xuất hữu cơ, 70% sản lượng rau của HTX sản xuất và thương mại Định Trung (Vĩnh Yên) đang được tiêu thụ qua hệ thống trường học, nhà hàng, siêu thị... với giá cao hơn 1,5 lần so với rau thông thường. Ảnh: Nguyễn Lượng
Từ nhiều năm nay, các thành viên Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại Định Trung, thành phố Vĩnh Yên đã quen với việc sử dụng phân bón hữu cơ thay cho phân vô cơ và dùng các nguyên liệu sẵn có như tỏi, ớt, gừng, rượu… chế biến thành thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) dùng trong sản xuất nông nghiệp.
Nhờ việc áp dụng tốt quy trình sản xuất rau hữu cơ, HTX Sản xuất và Thương mại Định Trung đã trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh và là đơn vị đầu tiên trong tỉnh được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn nông nghiệp hữu cơ từ cuối năm 2022.
Theo bà Nguyễn Thị Hương Hồi, Giám đốc HTX Sản xuất và thương mại Định Trung, với diện tích hơn 3 ha, trung bình mỗi ngày HTX đang cung ứng ra thị trường 700 - 800kg rau các loại. Trong đó, 70% sản lượng rau của HTX được tiêu thụ qua các hợp đồng liên kết với các trường học, nhà hàng, khách sạn, siêu thị với giá cả ổn định, cao hơn 1,5 lần so với rau thông thường.
Việc áp dụng KHCN vào sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ là biện pháp cần thiết nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm cũng như đảm bảo sự phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.
Những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hưu cơ như: Kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 -2022, Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023 -2025.
Trong đó, nhóm giải pháp về KHCN đặc biệt quan tâm đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, vật liệu mới, công nghệ số, tự động hóa, công nghệ tưới tiết kiệm, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ mới, nông nghiêp thông minh trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.
Đồng thời quan tâm hỗ trợ, khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trực tiếp tham gia nghiên cứu hoa khọc, nhận chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Qua thời gian triển khai, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4 mô hình đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ với 3 mô hình sản xuất rau quả hữu cơ tại HTX sản xuất và thương mại Định Trung (Vĩnh Yên), Công ty TNHH sản xuất và phân phối nông sản sạch OFT (Yên Lạc); trang trại nông nghiệp hữu cơ Darwin (Phúc Yên) và 1 mô hình sản xuất ba kích hữu cơ của hộ ông Lăng Văn Mười tại thị trấn Đại Đình (Tam Đảo).
Ngoài ra, Sở NN & PTNT cũng đang triển khai 6 mô hình sản xuất cây ăn quả hữu cơ (quy mô 2 ha/mô hình) và 4 mô hình sản xuất dược liệu hữu cơ (quy mô 1ha/mô hình). Dự kiến đến hết năm 2025, các mô hình này sẽ được chấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Cùng với các mô hình nông nghiệp hữu cơ, hàng năm tỉnh ta cũng hỗ trợ triển khai hàng nghìn ha rau quả các lại, hàng trăm ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ tại các huyện trên địa bàn tỉnh.
Qua đó không chỉ giúp tăng hiệu quả kinh tế tăng từ 10 - 20% so với sản xuất thông thường mà còn giúp các hộ nông dân nắm được quy trình thực hành nông nghiệp tốt, quy trình canh tác hữu cơ, tích cực sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, thuốc BVTV sinh học, thảo mộc; giảm sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học; bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp.
Tuy vậy, đến nay, tổng diện tích đất sản xuất được cấp chứng nhận hữu cơ trên địa bàn tỉnh còn thấp. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ mới triển khai thực hiện ở một số mô hình. Số lượng doanh nghiệp, HTX tham gia tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn ít. Mặt khác, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp hưu cơ còn khó khăn, chưa hình thành đươc chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 1% tổng diện tích đất trồng trọt; tỷ lệ sản phẩm thịt lợn, thịt gà hữu cơ đạt khoảng 1%/tổng sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 0,5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản.
Đồng thời, hiệu quả sản xuất hữu cơ trên một đơn vị đất trồng trọt, nuôi trồng thủy sản cao hơn khoảng 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ.
Để đạt được các mục tiêu trên, bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức vai trò của sản phẩm hữu cơ tới các nhà quản lý, người sản xuất, các danh nghiệp và người tiêu dùng, ngành nông nghiêp tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHCN, công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ, nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng.
Quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ, có khả năng làm chủ khoa học, công nghệ, trình độ quản lý kinh tế ở các doanh nghiệp, HTX để phục vụ phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Hường