Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp tạo điều kiện giúp đỡ thuận lợi của chính quyền, các tổ chức đoàn thể các cấp cùng với sự năng động, sáng tạo, tích cực học tập, rèn luyện phấn đấu vươn lên trong thời kỳ đổi mới, đội ngũ doanh nhân Vĩnh Phúc đã khẳng định vai trò của mình trong phát triển kinh tế, xã hội (KT-XH) và hội nhập quốc tế. Thực hiện Nghị quyết số 41/2023 của Bộ Chính trị về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 66 với những mục tiêu cụ thể nhằm nâng tầm đội ngũ doanh nhân lớn mạnh và phát triển bền vững hiệu quả.
Với dây chuyền sản xuất đồng bộ, hiện đại, công suất từ 2 - 2,5 triệu đôi/năm, Công ty cổ phần Giày Vĩnh Yên tạo việc làm thường xuyên cho hơn 3.200 lao động, với thu nhập ổn đinh. Ảnh: Nguyễn Lượng
Ngay những năm đầu tái lập tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào năm 2025. Trong đó xác định doanh nghiệp là nền tảng quan trọng nhất trong nền kinh tế.
Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh cùng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các địa phương luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các sản phẩm có sức cạnh tranh cao và nguyên liệu sẵn có của địa phương để phát triển mở rộng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 13.500 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó gần 9000 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.
Giai đoạn 2015 -2020, sản xuất công nghiệp chiếm trên 70% tổng giá trị sản xuất của tỉnh. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2020 - 2023 đạt 8,8%/năm (Vĩnh Phúc là 1 trong nhóm 10 địa phương tăng trưởng cao nhất cả nước).
Phấn đấu đến năm 2030, GRPD ngành công nghiệp đạt 120 nghìn tỷ đồng, chiếm 54,2% GRDP toàn tỉnh.
Để doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng phát triển hiệu quả bền vững, tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư, tổ chức đào tạo, tập huấn phổ biến các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước tới các doanh nhân.
Hằng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) làm tốt vai trò cầu nối giữa doanh nhân, doanh nghiệp với chính quyền tìm cách tháo gỡ khó khăn.
Trong 5 năm vừa qua, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 200 khóa đào tạo, trong đó có 30 khóa chuyên sâu về doanh nghiệp - doanh nhân với hơn 2.000 lượt học viên của các doanh nghiệp tham dự.
Tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người sử dụng lao động theo kế hoạch của UBND tỉnh theo Đề án 31 được 71 lớp với hơn 3.700 lượt người tham gia. Phối hợp với các trường, các trung tâm đào tạo nghề của Trung ương mở 3 khóa đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề cho 130 cán bộ chuyên môn của các doanh nghiệp…
Công ty cổ phần Tập đoàn CNC Tech (KCN Thăng Long) chuyên gia công cơ khí, ép nhựa cho các tập đoàn sản xuất ô tô, xe máy, điện tử, viễn thông của Nhật Bản, Mỹ. Ảnh: Nguyễn Lượng
Qua đào tạo đã nâng cao chất lượng đội ngũ, giúp doanh nghiệp hệ thống hóa được các quy định của văn bản quy phạm pháp luật nhà nước để thực hiện vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh thường xuyên theo dõi, cập nhật kịp thời các văn bản pháp quy có liên quan đến doanh nghiệp qua các kênh thông tin điện tử của Chính phủ, các bộ, ngành và của tỉnh.
Ký kết Chương trình phối hợp với Văn phòng Luật sư, hằng tháng giới thiệu các văn bản mới có hiệu lực đến doanh nghiệp và tư vấn, hỗ trợ pháp lý đối với doanh nghiệp; nhiệm kỳ qua đã đã cung cấp, tư vấn được 1.200 văn bản.
Ngoài ra, còn tạo điều kiện để các doanh nhân, chủ doanh nghiệp tham gia phản biện các văn bản pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, các cơ chế, chính sách của tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp, đề xuất những giải pháp nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và trợ giúp, khuyến khích doanh nghiệp phát triển bền vững.
Với vai trò kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan chức năng của chính quyền, hằng năm, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức các hội nghị kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong tỉnh và một số tỉnh bạn; thông báo các sản phẩm của doanh nghiệp thành viên qua nhiều kênh thông tin, khuyến khích và hỗ trợ các thành viên tiêu thụ sản phẩm của nhau.
Tổ chức Diễn đàn hợp tác liên kết, trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, Miền Trung; ký hợp tác, liên kết với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang; tỉnh Chungcheogbuk của Hàn Quốc, tỉnh Akita của Nhật Bản về hợp tác phát triển.
Hằng năm, tỉnh tổ chức nhiều đoàn đi tham quan học tập ở trong nước và nước ngoài. Trong 5 năm qua đã có 300 doanh nghiệp tham dự, trong đó có 20 đoàn trong nước, 5 đoàn đi nước ngoài…
Qua những chuyến đi đã có một số doanh nghiệp xây dựng dự án đầu tư ở các tỉnh trong nước và một số nước ngoài mà doanh nghiệp có thế mạnh; đồng thời có doanh nghiệp nước ngoài ký kết hợp tác trực tiếp với doanh nghiệp trong tỉnh…
Các doanh nhân, doanh nghiệp trong tỉnh đã vươn lên hoàn thiện bản thân, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực quản trị điều hành, triển khai các dự án sản xuất kinh doanh mới, khẳng định được vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong công cuộc hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và đóng góp tích cực quan trọng vào việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, phát triển, xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo; góp phần quan trọng tích cực cho tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
Tiêu biểu như Công ty cổ phần Ống thép Việt Đức VG PIPE; Công ty cổ phần Dược phẩm Vĩnh Phúc - VINPHACO; Công ty cổ phần Giày Vĩnh Yên; Công ty cổ phần Prime Yên Bình; Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thân Hà; Công ty cổ phần Tập đoàn sản xuất Thép Việt Đức; Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Hồng; Công ty cổ phần Đầu tư Lạc Hồng; Công ty cổ phần Phát triển mái nhà Việt…
Thực hiện Nghị quyết số 41/2023 của Bộ Chính trị, về “Phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 66/2024 về "Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới” nhằm phát triển đội ngũ doanh nhân Vĩnh Phúc lớn mạnh về số lượng và chất lượng, cơ cấu hợp lý, tầm nhìn, trí tuệ, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, có đạo đức, văn hóa, trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đến năm 2030, phát triển đội ngũ doanh nhân có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Vĩnh Phúc trở thành hạt nhân thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ hiện đại trong vùng Đồng bằng Sông Hồng, trung tâm sản xuất ô tô, xe máy hàng đầu cả nước và các mục tiêu của tỉnh.
Phấn đấu hình thành và phát triển ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn tầm cỡ trong nước và quốc tế có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt, mũi nhọn của tỉnh, tham gia có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp, nông nghiệp của tỉnh, có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế, nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2030, có hơn 20 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cụ thể hóa Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đẩy mạnh đào tạo nâng cao trình độ quản lý, kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu các điều kiện kinh doanh, giấy phép con trong từng lĩnh vực ngành nghề, tạo thuận lợi, thông thoáng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Cán bộ các cơ quan Nhà nước thực sự coi trọng doanh nghiệp, tận tâm phục vụ, hướng dẫn doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính. Minh bạch thông tin, truyền tải thông tin kịp thời tới doanh nghiệp...
Ban hành cơ chế, chính sách thuận lợi cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển. Đào tạo và cung ứng lao động kịp thời và có chất lượng cao. Tiếp cận đất đai để xây dựng và phát triển sản xuất, dễ dàng thuận lợi; cải cách phương thức tiếp cận vốn vay ngân hàng và các tổ chức tài chính khác, hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, ...
Xuân Nguyễn