Mùa hè nắng nóng, nhu cầu bơi lội của người dân tăng cao, cũng vì thế mà hoạt động kinh doanh bể bơi tư nhân ngày càng phát triển sôi động, số lượng bể bơi tăng nhanh. Vấn đề này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có giải pháp tăng cường quản lý để đảm bảo hoạt động kinh doanh bể bơi tuân thủ đúng quy định, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân.
Bể bơi của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại dịch vụ Tùng Anh ở thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên luôn quá tải trong những ngày nắng nóng.
Kinh doanh hoạt động bể bơi là lĩnh vực kinh doanh đặc thù liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, do vậy cần phải đáp ứng những điều kiện, tiêu chuẩn nghiêm ngặt theo quy định.
Cụ thể, theo Thông tư số 38, ngày 19/1/2018 của Bộ VH-TT&DL quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn bơi, lặn thì các cơ sở kinh doanh bể bơi phải đáp ứng các điều kiện như:
Bể bơi phải được xây dựng hoặc lắp đặt có kích thước không nhỏ hơn 6m x 12m, hoặc có diện tích tương đương; có phòng thay đồ, khu tắm tráng, vệ sinh, rửa chân trước khi xuống bể; dây phao phân chia khu vực của bể, dụng cụ cứu hộ, bảng nội quy, biển báo.
Phải có nhân viên chuyên môn huấn luyện luyện tập và những nhân viên này phải là huấn luyện viên, hướng dẫn viên, vận động viên từ cấp 2 trở lên; đảm bảo các trang thiết bị cứu hộ, sơ cứu y tế, chất lượng nước trong bể bơi… theo quy định.
Và đặc biệt, theo các quy định hiện hành, việc kinh doanh hoạt động bể bơi chỉ được cấp phép cho các pháp nhân khi đủ điều kiện; các cá nhân không được cấp phép kinh doanh hoạt động bể bơi.
Mặc dù quy định là vậy, tuy nhiên, tại nhiều cơ sở kinh doanh, hầu như các quy định này chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Chưa kể các trường hợp cá nhân tự làm bể bơi kinh doanh không phép.
Đồng chí Nguyễn Huy Hùng, Phó trưởng Phòng VH-TT&DL huyện Bình Xuyên cho biết: "Trên địa bàn huyện hiện có 3 bể bơi được cấp phép hoạt động kinh doanh. Số lượng bể bơi tư nhân hoạt động không phép chưa được thống kê cụ thể.
Qua quá trình kiểm tra nhận thấy một số cơ sở kinh doanh bể bơi vẫn còn nhiều thiếu sót, hạn chế trong việc thực hiện các quy định kinh doanh bể bơi, như thiếu nhân viên cứu hộ, nhân viên cứu hộ đi vắng khi bể bơi đang hoạt động; thiếu trang thiết bị y tế; cơ sở vật chất khu tắm tráng, bục rửa chân không đảm bảo…
Không chỉ trên địa bàn huyện Bình Xuyên, tại nhiều địa phương khác trong tỉnh, tình trạng kinh doanh bể bơi khi chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định vẫn còn tồn tại và đã từng gây ra những vụ đuối nước thương tâm tại bể bơi.
Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, trên địa bàn tỉnh có tổng số 45 cơ sở đang có hoạt động kinh doanh bơi lặn, trong đó có 10 cơ sở kinh doanh bơi lặn kết hợp với các môn thể dục, thể thao khác, còn lại là chuyên kinh doanh bể bơi.
Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh bể bơi, Sở VH-TT&DL đã tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm, tuân thủ các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh cho các chủ cơ sở.
Tổ chức tập huấn phổ biến các nội dung quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn; các phương pháp, quy trình tiến hành cứu đuối trực tiếp, gián tiếp, kỹ năng tiếp cận người bị đuối nước; cách dìu người bị đuối nước, sơ cấp cứu cho nạn nhân bị đuối nước… thực hành cứu đuối và hướng dẫn bơi.
Từ đầu năm đến nay, Sở VH-TT&DL đã tổ chức tập huấn cho gần 200 cán bộ văn hóa cơ sở, hướng dẫn viên, nhân viên cứu hộ bơi lặn hoạt động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ bơi lặn trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh không phép, kinh doanh không đảm bảo các điều kiện theo quy định.
Dự kiến trong tháng 5/2024, Sở VH-TT&DL sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện về hoạt động kinh doanh bể bơi trên địa bàn tỉnh, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân khi tham gia bơi, lặn tại các cơ sở này…
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh