Sau hơn 7 năm thi hành, dù được đánh giá là đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước nhưng thực tế, Luật Dược 2016 vẫn bộc lộ một số bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn chăm sóc sức khỏe nhân dân và quá trình hội nhập quốc tế. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Dược dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 đang được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi đột phá, giúp đảm bảo việc tiếp cận thuốc nhanh chóng, bền vững của người dân.
Luật Dược được bổ sung, sửa đổi...
...sẽ góp phần để người dân có thể tiếp cận nhanh với thuốc tốt nhất, an toàn nhất, giá rẻ nhất.
Khắc phục những bất cập, hạn chế
Sau hơn 7 năm thực hiện, Luật Dược 2016 đã đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về dược. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cũng cho thấy một số quy định của Luật Dược đã không còn phù hợp yêu cầu quản lý, tạo ra một số vướng mắc, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh dược, ảnh hưởng đến việc bảo đảm cung ứng thuốc.
Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược để phù hợp với chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước và giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh trong thực tiễn là rất cần thiết.
Tại phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về dược đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Cụ thể, một số quy định liên quan về đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa phù hợp chủ trương cải cách hành chính. Một số quy định về quản lý chất lượng thuốc chưa phù hợp chủ trương phân cấp quản lý. Một số chính sách phát triển công nghiệp dược chưa tạo được bước đột phá cho công nghiệp dược Việt Nam trong tình hình mới.
Một số quy định về quản lý giá thuốc chưa phù hợp thực tiễn cũng như pháp luật về giá mới được ban hành. Một số quy định về kinh doanh, loại hình kinh doanh dược cần điều chỉnh để đáp ứng sự phát triển và xu thế hội nhập.
Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, việc xây dựng Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược là cần thiết, nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc.
Trong đó có việc bảo đảm thuốc cho phòng, chống dịch bệnh và các trường hợp cấp bách phát sinh trong thực tiễn; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động về dược, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Tháo gỡ rào cản tiếp cận thuốc của người dân
Đại dịch Covid-19 đã làm rõ thêm những bất cập, khoảng trống trong Luật Dược 2016 ảnh hưởng đến sự phát triển, cung ứng thuốc. Theo nhiều chuyên gia, khoảng trống cốt lõi ở đây là trống những quy định làm thông thoáng việc cung ứng thuốc, nguyên liệu làm thuốc trước những tình hình mới.
Khoảng trống cốt lõi này đã xuất hiện trong thực tế thực hiện luật nhưng đến giai đoạn phòng, chống dịch Covdi-19 thì mới thấy rõ ràng hơn trong tình huống chống dịch khẩn cấp, buộc chúng ta phải “vượt rào” một số quy định của luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước về dược như nhập khẩu, đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nghiên cứu, sản xuất, thử thuốc trên lâm sàng…
Trao đổi với phóng viên, đại diện nhiều doanh nghiệp kinh doanh dược cho biết: Thực tế chỉ ra rằng, một số quy định của Luật Dược 2016 liên quan đến công tác quản lý nhà nước về cung ứng thuốc gồm nhập khẩu, đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nghiên cứu, sản xuất, thử thuốc trên lâm sàng... đang gây ra những thủ tục hành chính phức tạp, khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược. Không chỉ làm khó cho doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm, mà còn làm chậm quá trình tiếp cận thuốc của người dân.
“Dự thảo luật đã đơn giản hóa về thủ tục, rút ngắn thời gian gia hạn số đăng ký lưu hành thuốc từ 3 tháng xuống 15 ngày, áp dụng hình thức gia hạn tự động. Đây là nội dung sửa đổi rất quan trọng nhằm tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý dược, bảo đảm tăng cường khả năng tiếp cận thuốc cho người dân, doanh nghiệp” - chị Nguyễn Thúy Hạnh, chủ một cửa hàng kinh doanh dược phẩm tại phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên chia sẻ.
Bên cạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý dược, Dự án Luật Dược sửa đổi, bổ sung với những nội dung sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc, bảo đảm tăng cường khả năng tiếp cận thuốc cho người dân, doanh nghiệp… đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn từ người dân.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Công ở phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên chia sẻ: Mong muốn lớn nhất của người dân là việc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về dược sẽ góp phần giúp người dân tiếp cận thuận lợi hơn với nhiều loại thuốc chất lượng, thuốc mới, giá cả hợp lý. Bởi lẽ, mục tiêu cuối cùng của người dân là được tiếp cận thuốc tốt nhất, an toàn nhất, giá rẻ nhất và được hưởng những thành tựu mới nhất của ngành công nghiệp dược”.
Bài, ảnh: Thiệu Vũ