Chỉ tính riêng trong tháng 4, toàn tỉnh xảy ra 16 vụ cháy với số tiền thiệt hại đã thống kê của 13/16 vụ là hơn 142 triệu đồng và 4,4 ha rừng (3 vụ cháy đang được các lực lượng chức năng tiếp tục điều tra và thống kê thiệt hại).
Đảm bảo an toàn, phòng, chống cháy, nổ tại các làng nghề vẫn luôn là bài toán khó với các cơ quan chức năng.
Điển hình, vào tối 8/4, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại 1 cơ sở kinh doanh, gia công biển quảng cáo trên đường Hùng Vương, phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên. Cơ sở xảy ra cháy là khu vực đất của ông Phùng Văn Thắng, có diện tích 190m2 quy mô 1 tầng và một sàn lửng hơn 50m2 với kết cấu khung thép, mái tôn và tường gạch. Đám cháy bùng phát vào khoảng 19h và nhanh chóng lan rộng ra vật liệu dễ cháy trong xưởng.
Sau gần 1 giờ đồng hồ, đội cứu hỏa và người dân đã khống chế, dập tắt hoàn toàn đám cháy, không để lửa cháy lan sang các hộ lân cận. Vụ cháy không gây thiệt hại về người.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng cháy, nổ xảy ra ở các cơ sở trong khu công nghiệp, nhà dân, nhà ở gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Nguyên nhân do cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm, còn buông lỏng, chưa làm hết trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về PCCC; một bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan, chưa quan tâm đúng mức đối với công tác PCCC, còn có biểu hiện đối phó hình thức; kiến thức, kỹ năng về PCCC và thoát nạn của người dân còn hạn chế; vi phạm quy định pháp luật về PCCC còn xảy ra; cơ sở hạ tầng phục vụ chữa cháy (giao thông, nguồn nước…), trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ chưa đáp ứng yêu cầu; lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ hoạt động chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu làm nguy cơ cháy ngày càng gia tăng.
Tin, ảnh: Khánh Linh