Trước yêu cầu phát triển kinh tế số, những năm gần đây, nhất là sau đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, người dân chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển kênh phân phối số, đẩy mạnh hoạt động bán hàng, tư vấn, hỗ trợ, chăm sóc khách hàng theo hình thức trực tuyến và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Công ty cổ phần tinh chất Quê Việt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Ảnh: Thế Hùng
Giữa tháng 4/2024, tại chương trình TikTok Shop Summit 2024 do sàn thương mại điện tử TikTok tổ chức với chủ đề “Giải pháp toàn diện thúc đẩy tăng trưởng bền vững”, Công ty cổ phần tinh chất Quê Việt, thị trấn Kim Long (Tam Dương) chuyên sản xuất, kinh doanh (SXKD) các loại trà gạo lứt, tinh bột nghệ, ngũ cốc dinh dưỡng đã được nhận kỷ niệm chương - một trong những doanh nghiệp, nhà sáng tạo nội dung số có doanh thu bán hàng và tăng trưởng ấn tượng.
Điều này không chỉ khẳng định hiệu quả của công nghệ số trong hoạt động xúc tiến thương mại mà còn mở hướng đi mới, sự phát triển, tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số.
Ông Nguyễn Kao Toản, Giám đốc Công ty cổ phần tinh chất Quê Việt cho biết: Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động xúc tiến thương mại đang trở thành xu hướng phát triển của doanh nghiệp nói chung, công ty nói riêng.
Ngay khi thành lập, công ty đã đẩy mạnh hoạt động bán hàng, tư vấn, hỗ trợ, chăm sóc khách hàng theo hình thức trực tuyến thông qua website, tiktok, zalo, facebook… Qua đó, doanh nghiệp có thể tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa các sản phẩm của đơn vị vươn xa. Hiện nay, công ty có hơn 50 chi nhánh, nhà phân phối tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Việc áp dụng thương mại điện tử (TMĐT) cũng như ứng dụng công nghệ số vào xúc tiến thương mại đã và đang thu hút sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội, trong đó có cả người dân làng nghề đang trực tiếp làm ra các sản phẩm.
Tại làng nghề rèn Lý Nhân, xã Lý Nhân (Vĩnh Tường) những ngày này, chúng tôi không chỉ nghe thấy tiếng đe, tiếng búa rền vang tại các cơ sở sản xuất mà còn cả những lời quảng bá, giới thiệu, chốt đơn hàng trên livestream rất chuyên nghiệp tại một số hộ dân.
Anh Trần Văn Trọng, chủ cơ sở rèn Trọng Bình, thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân cho biết: Công nghệ 4.0 phát triển góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức của nhiều người dân làng nghề chúng tôi.
Nếu như trước đây, các sản phẩm của làng nghề như dao, cào, cuốc, xẻng chỉ đem đi các chợ bán hoặc đổ buôn cho thương lái, tiêu thụ trên các vùng ngược thì nay, nhiều hộ dân đã biết ứng dụng công nghệ số để quảng bá, bán sản phẩm qua các sàn TMĐT, zalo, facebook... vừa giảm chi phí cho người mua, vừa tăng lợi nhuận cho gia đình mà tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Hiện nay, cùng với việc đăng tải, bán hàng qua zalo, facebook, cơ sở còn livestream trực tiếp bán hàng 3 lần/ngày, thu hút lượng lớn khách hàng đặt mua sản phẩm.
Xác định TMĐT là kênh quảng bá hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa các sản phẩm vươn ra thị trường, những năm qua, tỉnh rất quan tâm, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển TMĐT.
Đặc biệt, thực hiện chương trình xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM), Sở Công thương đã tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng TMĐT cho người dân tại một số xã, thị trấn trên địa bàn, trong đó, ưu tiên học viên sinh sống tại các LVHKM. Theo đó, người dân được giới thiệu về các sàn TMĐT, hướng dẫn đăng ký tài khoản, quy chế hoạt động, cách bán hàng trên các sàn TMĐT, cách đóng gói hàng hóa...
Trước đó, năm 2019, Sở Công Thương đã triển khai Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng giải pháp bán hàng trực tuyến cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại tỉnh Vĩnh Phúc” nhằm thúc đẩy phát triển TMĐT trong giai đoạn mới.
Năm 2021, Sở Công Thương triển khai Đề án “Xây dựng, phát triển bộ thương hiệu trực tuyến cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh Vĩnh Phúc”.
Năm 2022, tỉnh ban hành Quyết định số 1348 ngày 22/7/2022 phê duyệt Đề cương nhiệm vụ xây dựng hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tỉnh Vĩnh Phúc nhằm tăng cường công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, tăng niềm tin cho khách hàng mua bán trên không gian mạng trên địa bàn tỉnh...
Nhờ đó, giai đoạn 2021-2023, Vĩnh Phúc luôn duy trì vị trí tốp 15 tỉnh có chỉ số phát triển TMĐT tốt nhất cả nước.
Phấn đấu đến năm 2025, doanh số TMĐT B2C (doanh nghiệp với khách hàng) chiếm hơn 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh; 50% doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên sàn TMĐT...
Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp như xây dựng các chương trình, cơ chế thúc đẩy phát triển TMĐT trên nền tảng chuyển đổi số; tăng cường đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh trong TMĐT; phát huy vai trò của các hội, hiệp hội ngành nghề trong tỉnh và hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp…
Hồng Tính