Cô giáo Nguyễn Thị Năm, Trường tiểu học Hội Hợp B, thành phố Vĩnh Yên là thủ lĩnh văn hóa đọc đầy nhiệt huyết, sáng tạo khi luôn nỗ lực lan tỏa niềm đam mê đọc sách đến học sinh và mọi người xung quanh.
Cô giáo Nguyễn Thị Năm lan tỏa văn hóa đọc đến học sinh. Ảnh: Trà Hương
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo ở xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, trải qua những ngày thơ ấu khó khăn, nhưng cô Năm luôn tích cực học tập và đam mê đọc sách. Cũng bởi tình yêu với sách nên cô quyết định theo học ngành sư phạm.
Sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Vĩnh Phúc, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Năm về công tác tại Trường tiểu học Hội Hợp B nên càng có điều kiện nuôi dưỡng, phát huy niềm đam mê đọc sách.
Năm 2023, được thầy giáo Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng nhà trường dẫn dắt, cô Năm tham gia khóa học “Hành trình kiến tạo văn hóa đọc” do tổ chức Trí tuệ Việt Nam thực hiện.
Trong suốt khóa học, cô Năm thức dậy từ 4h30, vào phòng Zoom trực tuyến đọc 2 cuốn sách “Nghề thầy” của tác giả Hoàng Đạo Thúy và “Tôi tự học” của tác giả Cẩm Giang - Nguyễn Duy Cần; viết cảm nhận về những trang sách đã đọc, trao đổi, thảo luận những điều đã đọc, vận dụng những điều đã đọc vào cuộc sống…
Sau đó, cô Năm tiếp tục tham gia khóa học “Hành trình văn hóa chuyển giao” - hành trình cao nhất trong các khóa học của tổ chức Trí tuệ Việt Nam để đào tạo "Thủ lĩnh văn hóa đọc", là người tiên phong trong hành trình xây dựng, lan tỏa văn hóa đọc. Trong hành trình đó, cô Năm đóng vai trò là một binh trại trưởng, dẫn dắt binh trại 6 trở thành binh trại xuất sắc nhất hành trình, được trao tặng Giấy khen và học bổng.
Thực hiện phương châm “Nơi nào có thủ lĩnh - nơi đó có văn hóa đọc”, cô Năm nỗ lực lan tỏa văn hóa đọc cho cộng đồng. Là thành viên Ban quản trị Dự án “Cùng nhau tự học” của Trường tiểu học Hội Hợp B, cô Năm đã góp sức xây dựng kế hoạch hoạt động, phát triển dự án.
Chỉ sau thời gian ngắn, dự án kết nối được hơn 80 thành viên là cán bộ, giáo viên nhà trường và một số phụ huynh học sinh, giáo viên của trường khác, tạo thành “Cộng đồng cùng nhau tự học”.
Với tinh thần “Người đi trước thắp đuốc cho người đi sau”, cô Năm hướng dẫn các thành viên mới là cán bộ, giáo viên đọc và đúc kết giá trị của 2 cuốn sách nền tảng “Nghề thầy” và “Tôi tự học”, hướng dẫn thành viên là phụ huynh học sinh đọc cuốn sách “Cha mẹ học để con xuất sắc”; đồng thời, chia sẻ các hoạt động của cộng đồng lên các nền tảng xã hội như facebook, zalo... tạo sức lan tỏa rộng rãi.
Thông qua hoạt động của “Cộng đồng cùng nhau tự học”, cô Năm và Ban quản trị đã nâng tầm văn hóa đọc sách, chuyển từ đọc tự do sang đọc chuyên sâu với 5 kỹ năng là đọc chọn lọc, đọc với thái độ văn hóa, suy ngẫm điều đã đọc, chuyển hóa điều đã đọc thành hành động và lan tỏa đến cộng đồng. Tháng 2/2024, cô Năm đã kết nối với tổ chức Trí tuệ Việt Nam tặng “Tủ sách tinh hoa” và tổ chức Ngày hội Văn hóa đọc Trường tiểu học Hội Hợp B.
Để xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh, cô Năm chú trọng đổi mới và đa dạng hoạt động trong giờ đọc sách của các em như ứng dụng các phần mềm, tranh ảnh để giới thiệu về những cuốn sách hay, hướng dẫn phương pháp đọc sách hiệu quả, tổ chức cho học sinh đọc sách trước giờ ngủ trưa, giờ ra chơi, tổ chức các hoạt động tôn vinh sách…
Đặc biệt, cô Năm phối hợp với phụ huynh học sinh thực hiện Dự án “Quả màu”. Theo đó, tại lớp học treo một bức tranh có cây to với các quả có màu sắc khác nhau gồm quả màu xanh (đọc sách tiếp nhận thông tin), quả màu vàng (trao đổi, đúc kết thông tin), quả màu đỏ (vận dụng điều đã đọc).
Học sinh được phát các phiếu màu tương ứng để viết những nội dung đã đọc và đúc kết của bản thân qua từng trang sách, sau đó, dán phiếu vào các quả màu trên bức tranh.
Mỗi tháng, lớp cô Năm tổng kết và tuyên dương những học sinh tiêu biểu; những phiếu có nội dung sâu sắc, ý nghĩa sẽ được dán trên bảng tin nhà trường… Hình thức độc đáo này giúp học sinh hào hứng đọc sách và hình thành kỹ năng đọc sách hiệu quả “Đọc - Suy ngẫm - Vận dụng”…
Không chỉ góp sức xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường, cô Năm còn nỗ lực lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng như tham gia phụng sự thiện nguyện cho nhiều khóa đào tạo về văn hóa đọc của tổ chức Trí tuệ Việt Nam; trực tiếp giảng dạy online “Giờ đọc vui vẻ” cho học sinh trên toàn quốc; tổ chức khóa học đào tạo phụ huynh xây dựng văn hóa đọc trong gia đình; hỗ trợ các nhà trường, đơn vị, trung tâm, tổ chức cộng đồng xây dựng “Giờ đọc vui vẻ” và văn hóa đọc trong nhà trường; vận động xây dựng “Tủ sách tinh hoa” tặng thư viện cộng đồng và trường học…
Cô Năm còn sinh hoạt trong câu lạc bộ “Thủ lĩnh văn hóa đọc” 3 miền Bắc - Trung - Nam, trực thuộc “Cộng đồng sống tử tế - GNH” với sứ mệnh xây dựng các dự án văn hóa đọc tại trường học, cộng đồng trên toàn quốc.
Cô Năm chia sẻ: “Đọc sách giúp tôi nâng cao trí tuệ, trau dồi đạo đức, bồi dưỡng tâm hồn, nâng cao khả năng tự học. Tôi hạnh phúc khi tham gia hành trình kiến tạo văn hóa đọc, góp sức thực hiện khát vọng kiến tạo cộng đồng đọc sách tinh hoa với 3 gốc rễ “Đạo đức - Trí tuệ - Nghị lực”; trong đó, mỗi thầy, cô giáo là người thổi hồn nhân cách, mỗi phụ huynh là một tấm gương mẫu mực, mỗi học sinh là một hạt mầm trí tuệ, mỗi ngôi trường là một nơi đầy hạnh phúc và Việt Nam là cộng đồng văn hóa, nhân ái”.
Thầy giáo Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hội Hợp B cho biết: “Hiện nay, các kênh thông tin phát triển mạnh, việc xây dựng và lan tỏa văn hóa đọc là một thách thức đối với cộng đồng. Với lòng nhiệt huyết và sự tận tụy, cô giáo Nguyễn Thị Năm đã dẫn dắt học sinh và nhiều người khác trên con đường khám phá vẻ đẹp, giá trị của sách và văn hóa đọc, góp phần thực hiện thành công “Hành trình kiến tạo văn hóa đọc”.
Minh Hường