Được biết đến với nhiều làng nghề truyền thống, xã Lý Nhân (Vĩnh Tường) đã được đón nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Đặc biệt, năm 2023, mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu được triển khai xây dựng tại thôn Bàn Mạch đã và đang mở ra cơ hội mới cho địa phương trong khai thác các thế mạnh làng nghề, phát triển du lịch.
Làng nghề rèn Bàn Mạch được công nhận là làng nghề truyền thống, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch địa phương. Ảnh: Thế Hùng
Sức hút của du lịch làng nghề
Nằm cách trung tâm thị trấn Vĩnh Tường khoảng 4 km, xã Lý Nhân được biết đến là vùng đất giàu giá trị văn hóa lịch sử. Nơi đây có 3 làng nghề được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2006, gồm làng nghề rèn thôn Bàn Mạch, làng nghề mộc thôn Vân Giang và Văn Hà.
Toàn xã hiện có gần 700 hộ làm rèn, gần 500 hộ làm mộc. Mặc dù trải qua không ít thăng trầm của lịch sử cũng như biến động của thị trường, song, các làng nghề truyền thống nơi đây không chỉ được bảo tồn mà còn ngày càng khẳng định được tên tuổi và lan tỏa rộng rãi. Đặc biệt, sản phẩm thép của làng rèn Bàn Mạch đã xuất khẩu đến nhiều nước trong khu vực.
Sức sống lâu bền của các làng nghề cùng không gian văn hóa mang đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc bộ với những kiến trúc đình chùa, đầm sen là tiềm năng lớn để Lý Nhân phát triển du lịch nông hộ, đưa sản phẩm nghề truyền thống thành những sản phẩm quà tặng phục vụ khách du lịch.
Những năm qua, các làng nghề tại xã Lý Nhân, đặc biệt làng nghề rèn Bàn Mạch đã đón nhiều đoàn khách về tham quan, mua sắm các sản phẩm truyền thống. Nhất là chuyến tham quan tại làng nghề của đoàn Hoa hậu các nước tham gia cuộc thi Hoa hậu Du lịch Thế giới 2022 đã tạo ấn tượng tốt đẹp, giúp hình ảnh làng nghề rèn của xã Lý Nhân được đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế biết đến.
Phó Chủ tịch UBND xã Lý Nhân Nguyễn Minh Nghĩa cho biết: “Hiện nay, mỗi tháng làng nghề đón 5 - 10 đoàn khách đến tham quan, mua sắm sản phẩm. Trong đó, hầu hết là khách nước ngoài”.
Tháo gỡ khó khăn để phát triển
Có tiềm năng để phát triển du lịch làng nghề, tuy nhiên, cũng như nhiều làng nghề trong tỉnh, xã Lý Nhân vẫn đang gặp không ít khó khăn trong việc khai thác tiềm năng để phát triển du lịch. Được biết, lượng du khách về địa phương thời gian qua chưa nhiều và chủ yếu là tìm hiểu về làng nghề cũng như hoạt động sản xuất mà ít tham gia hoạt động trải nghiệm, ăn uống hay lưu trú. Do đó, doanh thu từ du lịch của xã Lý Nhân rất thấp.
Chia sẻ về những hạn chế trong phát triển du lịch làng nghề của xã, anh Nguyễn Minh Nghĩa cho hay: Các hộ làm nghề hiện vẫn chú trọng vào sản xuất là chính mà chưa thực sự quan tâm đến phát triển du lịch. Trong xã, chưa có cơ sở nào tổ chức cho du khách trải nghiệm, tham gia vào hoạt động sản xuất.
Mặt khác, dù diện mạo nông thôn của xã trong những năm gần đây đã được nâng lên đáng kể, song, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch vẫn còn hạn chế. Hiện, trong xã chưa có cơ sở lưu trú hoạt động. Các điểm dịch vụ ăn uống quy mô nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu của người dân địa phương là chính.
Cũng bởi vậy mà trong những năm qua, đã có nhiều đơn vị lữ hành về làm việc với UBND xã để đưa khách về tham quan, trải nghiệm ở làng nghề, song do điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo nên xã chưa nhận lời. Các đoàn khách về tham quan làng nghề hiện nay vẫn mang tính tự phát là chính.
Năm 2023, Bàn Mạch được chọn lựa xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu đợt 1 của tỉnh. Theo đó, ngoài thiết chế văn hóa - thể thao đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, địa phương còn được hỗ trợ xây dựng một nhà thờ tưởng nhớ công ơn của tổ nghề và trưng bày những sản phẩm truyền thống của địa phương, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Đây hứa hẹn sẽ là điểm nhấn quan trọng, giúp địa phương khai thác tốt thế mạnh về làng nghề truyền thống để phát triển du lịch. Cùng với đó, mô hình trồng sen cũng được hỗ trợ triển khai nhằm gia tăng trải nghiệm về nông nghiệp cho du khách khi đến với địa phương.
Mặc dù vẫn còn ở những bước đi đầu tiên, song với những lợi thế sẵn có, cùng sự quan tâm đầu tư của tỉnh, đặc biệt là trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu đã và đang mở ra nhiều kỳ vọng cho Lý Nhân trong phát triển du lịch làng nghề nói riêng và du lịch nông thôn nói chung.
Nguyễn Hường