Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia (CQG) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trường học đạt CQG là trường đảm bảo toàn diện các tiêu chí, tạo nền tảng để thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo (GDĐT). Tại Vĩnh Phúc, xây dựng trường đạt CQG là mục tiêu quan trọng được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ.
Trường THCS Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, đảm bảo tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Năm học 2023-2024, Trường THCS Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc được công nhận đạt CQG mức độ 2. Thực hiện xây dựng trường đạt CQG mức độ 2, nhà trường được UBND xã đầu tư xây dựng nhà giáo dục thể chất, 6 phòng học bộ môn, sửa chữa cải tạo sân vườn, nhà bảo vệ; đầu tư phòng tin học, thư viện hiện đại, trang thiết bị dạy học theo yêu cầu trường CQG.
Công tác xã hội hóa giáo dục cũng đạt được kết quả tích cực, 13/13 lớp học được lắp điều hòa từ nguồn kinh phí do phụ huynh đóng góp. Hiện, nhà trường có 26 giáo viên, 100% đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn, là nhân tố quyết định trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Thầy giáo Nguyễn Văn Mạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyệt Đức cho biết: “Trường học đạt CQG tạo điều kiện thuận lợi để Ban Giám hiệu nhà trường đổi mới công tác quản lý; giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh, trong đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, chú trọng tổ chức các hoạt động thực hành, trải nghiệm cho học sinh.
Nhà trường cũng là một trong những đơn vị đi đầu của ngành Giáo dục huyện Yên Lạc trong thực hiện chuyển đổi số theo chủ trương của các cấp ngành. Nhờ đó, chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường được nâng cao, tỷ lệ học sinh giỏi các cấp tăng”.
Trường mầm non Bắc Bình, huyện Lập Thạch có cơ sở vật chất khang trang, thuận lợi thực hiện đổi mới giáo dục theo mô hình giáo dục STEM.
Thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, Trường mầm non Bắc Bình, huyện Lập Thạch được xã lựa chọn xây dựng CQG mức độ 2, năm 2023. Theo đó, trường được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất khang trang, môi trường sư phạm xanh - sạch - đẹp theo tiêu chí trường đạt CQG mới và mô hình “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Nhà trường được bố trí 2 giáo viên/lớp học; 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, luôn tâm huyết với nghề.
Cô giáo Nguyễn Thị Dung, Hiệu trưởng Trường mầm non Bắc Bình cho biết: “Trên cơ sở các điều kiện thuận lợi của trường đạt CQG mức độ 2, nhà trường chú trọng thực hiện ngày càng tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ, khẩu phần dinh dưỡng tính theo phần mềm khoa học và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chương trình giáo dục được đổi mới theo mô hình giáo dục STEM để trẻ học tập, trải nghiệm, phát triển toàn diện. Hằng năm, nhà trường đứng trong tốp đầu của huyện về chất lượng nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Kết thúc học kỳ I, năm học 2023-2024, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm gần 2%, hơn 98% trẻ đạt chăm ngoan, chuyên cần; nhà trường đoạt 1 giải Nhì, 1 giải Ba tại Hội thi trẻ mầm non ca hát cấp huyện…”.
Giai đoạn 2021-2025, công tác xây dựng trường đạt CQG gặp khó do tiêu chí mới của trường đạt CQG yêu cầu cao. Tuy nhiên, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư và chỉ đạo sát sao việc xây dựng trường học đạt CQG theo tiêu chí mới.
Hằng năm, tỉnh đảm bảo chi tối thiểu 20% ngân sách cho công tác giáo dục; có huyện/thành phố dành từ 30 - 40% ngân sách để phát triển giáo dục. Các cấp chính quyền và ngành Giáo dục quan tâm tuyển dụng, bổ sung giáo viên, nhân viên cho các trường và ban hành chế độ, chính sách chăm lo đời sống cho cán bộ, giáo viên. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng trường đạt CQG. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt CQG được Sở GDĐT tiến hành tích cực.
Kết quả, giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh có 325 trường học đạt CQG theo tiêu chí mới của Bộ GDĐT, vượt 2 trường so với chỉ tiêu được tỉnh giao. Riêng năm 2023, ngành Giáo dục tỉnh hoàn thành công nhận 165 trường học đạt CQG theo tiêu chí mới, gồm 73 trường đạt CQG mức độ 2, vượt 4 trường so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Sau khi đạt CQG, các trường đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hạ tầng công nghệ thông tin, đội ngũ giáo viên, mô hình giáo dục mở...
Đây là điều kiện thuận lợi để các trường thực hiện đổi mới giáo dục; trong đó, giáo viên và học sinh đều được phát huy sự chủ động, sáng tạo trong dạy và học; học sinh là trung tâm của hoạt động giáo dục, được thực hành, trải nghiệm và phát triển các phẩm chất, năng lực cần thiết…
Trường THCS Phương Khoan, huyện Sông Lô được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại để đạt chuẩn quốc gia mức độ 2
Nhờ đó, chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh giữ vững tốp đầu toàn quốc; 5 năm liền có học sinh đạt giải Olympic quốc tế; chất lượng môn ngoại ngữ tăng cao, đứng vị trí thứ 7 toàn quốc tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; môn Tin học ngày càng được chú trọng thuận lợi để thực hiện chuyển đổi số và hội nhập; các sân chơi trí tuệ khác cũng gặt hái nhiều thành công...
Đồng chí Trịnh Văn Mừng, Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GDĐT cho biết: “Năm 2024, UBND tỉnh giao ngành Giáo dục tỉnh hoàn thành công nhận 68 trường học đạt CQG.
Để hoàn thành chỉ tiêu được giao, Sở GDĐT tiếp tục đề xuất, kiến nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền đầu tư và hoàn thành các dự án xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất các nhà trường.
Đối với các đơn vị giáo dục, nhà trường cần đẩy mạnh công tác tham mưu, kịp thời báo cáo để xử lý khó khăn, vướng mắc, đồng thời, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ giáo dục. Việc xây dựng trường học đạt CQG tạo nền tảng để thực hiện hiệu quả chương trình Giáo dục phổ thông mới, từ đó, thúc đẩy sự phát triển của ngành giáo dục tỉnh theo hướng bền vững, đổi mới, hội nhập".
Bài, ảnh: Minh Hường