Mặc dù chịu tác động bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường cùng sự du nhập của nhiều nền văn hóa mới từ bên ngoài, song đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh vẫn gìn giữ và thực hành nhiều phong tục, tập quán, những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Người cao tuổi dân tộc Cao Lan ở xã Quang Yên, huyện Sông Lô truyền dạy chữ viết và những bài hát cho thế hệ trẻ. Ảnh: Kim Ly
Thôn Thành Công, xã Lãng Công, huyện Sông Lô là địa phương duy nhất trong tỉnh có đồng bào dân tộc Dao sinh sống tập trung. Hiện nay, đồng bào dân tộc Dao còn duy trì nhiều phong tục, tập quán truyền thống trong lễ cưới, lễ tang; tổ chức các nghi lễ cấp sắc, Tết nhảy, lễ khai Xuân, lễ cúng Thổ thần, Tết Nguyên đán, Tết Thanh minh, Rằm tháng 7, Tết cơm mới…
Mỗi nghi lễ, phong tục, tập quán mang một ý nghĩa riêng, song nhìn chung đều gửi gắm những ước vọng của đồng bào dân tộc Dao về một cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy. Những giá trị văn hóa phi vật thể như tiếng nói, chữ viết, trang phục, ẩm thực truyền thống… cũng được bảo tồn cho đến ngày nay.
Ông Phùng Thế Vị, Nghệ nhân Nhân dân loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Dao ở thôn Thành Công cho biết: "Giống như các dân tộc khác, các nghi lễ, phong tục, tập quán chính là linh hồn của dân tộc Dao. Do đó, người Dao luôn ý thức rõ trách nhiệm gìn giữ các phong tục, tập quán cũng như giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào mình cho thế hệ mai sau".
Giống như dân tộc Dao, đồng bào dân tộc Sán Dìu, Cao Lan và các DTTS khác trên địa bàn tỉnh hiện còn duy trì nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp, góp phần tô đậm và làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc.
Bên cạnh việc thực hành các phong tục, tập quán tốt đẹp, nhân dân các DTTS trên địa bàn tỉnh dần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; không còn tình trạng thách cưới quá cao; thời gian tổ chức lễ cưới được rút ngắn còn 1 - 2 ngày; trai, gái đến tuổi trưởng thành được tự do tìm hiểu và tự nguyện kết hôn.
Đồng bào Sán Dìu ở xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo gìn giữ phong tục gói bánh chưng gù, bánh gio nhằm bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Ảnh: Kim Ly
Các gia đình tổ chức lễ tang trang nghiêm, gọn nhẹ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình và tập quán của địa phương. Các tuần tiết trong việc tang như lễ cúng giỗ cũng được tổ chức trong nội bộ gia đình, dòng tộc. Khi trong gia đình có người đau ốm, người dân không mời thầy làm lễ cúng tế để trừ tà ma như trước mà sẽ đưa người thân đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời.
Trong xu thế hội nhập hiện nay, nhiều phong tục, tập quán cùng những giá trị văn hóa của các DTTS đứng trước nguy cơ bị mai một. Trước thực trạng đó, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn tiếng nói, chữ viết, trang phục, ẩm thực truyền thống, các phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; bài trừ mê tín dị đoan; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ…
Công tác tuyên truyền được thực hiện thông qua các hội nghị ở thôn, bản, các câu lạc bộ trong đồng bào DTTS; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh tại cơ sở; phát huy vai trò của người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Một số nghi lễ đặc sắc như lễ cấp sắc, lễ làm nhà xe của đồng bào dân tộc Dao được các nghệ nhân biểu diễn tại không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở quảng trường Khu du lịch Tam Đảo.
Nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu như hát Soọng cô, làm bánh chưng gù, bánh gio, bánh giầy được trình diễn, thực hành tại Lễ hội Tây Thiên; các phong tục, tập quán, những làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Cao Lan được thực hành tại Lễ hội Xuống đồng… đã góp phần giới thiệu, quảng bá nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh tới bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
Để tiếp tục gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc; tôn vinh, khích lệ các nghệ nhân và những người am hiểu văn hóa truyền thống tiếp tục truyền dạy tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán của dân tộc cho thế hệ trẻ; khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS để phát triển du lịch, nâng cao đời sống cho người dân.
Bạch Nga