Để đạt mục tiêu trong giai đoạn 2023 - 2030 thu hút thêm từ 2 - 2,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và từ 1 - 5 tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới đầu tư vào tỉnh; nâng tỷ lệ vốn đầu tư của các quốc gia, vùng lãnh thổ vào tỉnh lên 80%..., tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp ưu đãi, hỗ trợ thiết thực để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư chiến lược. Qua đó không chỉ đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của địa phương mà còn cải thiện, tăng lợi thế cạnh tranh của tỉnh trong bối cảnh hội nhập.
Với cơ chế chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, Vĩnh Phúc đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới về sản xuất công nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT - XH của tỉnh. (Trong ảnh: Sản xuất xe tay ga cao cấp tại Công ty TNHH Piaggio Việt Nam, KCN Bình Xuyên). Ảnh: Chu Kiều
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII với 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá, Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu và hướng đến các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, có giá trị gia tăng cao.
Để đạt mục tiêu này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 203 về việc thực hiện Đề án thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh đến năm 2030 với các nhóm giải pháp hỗ trợ thiết thực, cụ thể.
Ngoài những chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh các công trình, dự án nhằm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, xã hội trên địa bàn... tỉnh tiến hành hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát và đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền.
Đến nay, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện thống kê, rà soát đối với 1.125 TTHC được đăng ký rà soát đơn giản hóa; UBND tỉnh đã phê duyệt phương án, sáng kiến đơn giản hóa đối với 46 TTHC; quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nhiều sở, ngành đã chủ động hơn trong công tác xúc tiến đầu tư. Năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Sổ tay hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư trực tiếp; đồng thời, tích cực hỗ trợ, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư vào tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Công ty TNHH Việt Nhật (Tập đoàn Sojitz, Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam, VINAMILK) thành lập Tổ chuyên gia thực hiện nội dung hợp tác, hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa trên địa bàn tỉnh; hợp tác Dự án phát triển bò thịt Tam Đảo với Tập đoàn Sojitz - Nhật Bản với tổng mức đầu tư 500 triệu USD...
Nhiều doanh nghiệp thuộc các chuỗi cung ứng tiếp tục mở rộng dự án tại tỉnh như Dự án đầu tư Công ty TNHH Piaggio Việt Nam (Italia) với việc tăng vốn đầu tư thêm 75 triệu USD, chuyên sản xuất, kinh doanh các dòng xe máy cao cấp; dự án nhà máy mới Kanefusa Việt Nam (Nhật Bản) tăng tổng vốn đầu tư thêm 33 triệu USD, chuyên sản xuất các loại sản phẩm lưỡi cắt công nghiệp; dự án Công ty Accton Việt Nam (Đài Loan) tăng vốn đầu tư thêm 38 triệu USD, chuyên sản xuất các mặt hàng xuất khẩu…
Đặc biệt, năm 2023, tỉnh đã thu hút nhiều dự án FDI với tổng vốn đầu tư lớn đều thuộc lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh, nổi bật là Dự án Nhà máy Polaris Việt Nam (Hoa Kỳ) tại KCN Bá Thiện II với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD, chuyên sản xuất mô tô, xe máy và sản xuất các phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ô tô và xe có động cơ khác; dự án nhà máy mới của Công ty TNHH Công nghiệp cơ khí Lioho Machine Works Việt Nam (Đài Loan) có tổng vốn đầu tư 75 triệu USD, chuyên sản xuất phụ tùng ô tô, xe gắn máy.
Cùng với đó, trong năm, tỉnh đã kết nối được với nhiều đơn vị, trung tâm xúc tiến,doanh nghiệp tại nước ngoài làm cầu nối, kết nối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược.
Đạt được những kết quả tích cực trong thu hút đầu tư, song, do chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng vào cụm công nghiệp nên công tác thu hút đầu tư các nhà đầu tư chiến lược vào tỉnh nhìn chung còn hạn chế.
Trong các kế hoạch triển khai của các đơn vị chưa có nhiều giải pháp để thu hút các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật liên vùng, giảm lợi thế hạ tầng khi cạnh tranh so với các tỉnh lân cận, thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Tiến độ giải phóng mặt bằng các khu, cụm công nghiệp còn chậm. Hoạt động xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư mới chỉ dừng lại ở việc cập nhật thông tin trên trang thông tin xúc tiến đầu tư, chưa xây dựng được hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu lưu trữ, hệ thống hóa số liệu thu hút đầu tư, chính sách, thủ tục, tiềm năng, cơ hội đầu tư, đối tác của tỉnh phục vụ quản lý và cung cấp thông tin cho nhà đầu tư.
Tạo đột phá trong thu hút các nhà đầu tư chiến lược, năm 2024, ngoài việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đầu tư như ban hành Đề án hỗ trợ giảm chi phí đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2030, các ngành chức năng cần tăng cường công tác nắm tình hình, xu hướng đầu tư trên thế giới và trong khu vực, dự báo sát thực tiễn để có các giải pháp phù hợp, linh hoạt, kịp thời trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thẩm định, cấp phép đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.
Xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bám sát định hướng, mục tiêu phát triển KT - XH của tỉnh, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và dần trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp mà doanh nghiệp tìm đến đặt hàng đào tạo.
Thay đổi hình thức tổ chức chương trình "Cà phê doanh nhân"; rà soát những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân trong việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để kịp thời tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án...
Lưu Nhung