Ra đời cùng với việc chia tách huyện Lập Thạch thành 2 huyện Sông Lô và Lập Thạch năm 2009, đến nay, trải qua 15 năm hình thành và phát triển, mặc dù còn nhiều khó khăn về trang thiết bị, đội ngũ chuyên sâu, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ thường xuyên, sát sao có hiệu quả của tỉnh, huyện Sông Lô và ngành Y tế, cùng sự đoàn kết sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vươn lên của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc ngành Y tế huyện Sông Lô đã thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Năm 2023, Trung tâm Y tế huyện Sông Lô được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ “Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua”.
Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân ngay từ tuyến xã luôn được ngành Y tế huyện Sông Lô quan tâm, chú trọng.
Vượt khó vươn lên
Ngày 31/3/2009, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành các quyết định về việc thành lập Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Lô và Trung tâm Y tế huyện Sông Lô, đánh dấu sự ra đời của ngành Y tế huyện Sông Lô. Tiếp đó, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện và Trung tâm An toàn vệ sinh thực phẩm huyện Sông Lô cũng được thành lập.
Từ tháng 4/2009 đến tháng 9/2014, hệ thống y tế trên địa bàn huyện có Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, Trung tâm An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và Bệnh viện đa khoa huyện. Tuyến xã có 17/17 Trạm Y tế xã, thị trấn.
Tháng 10/2014, Trung tâm Y tế huyện sáp nhập Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm ATVSTP thành Trung tâm Y tế huyện Sông Lô. Tháng 5/2018 Trung tâm Dân số - KHHGĐ trực thuộc Phòng Y tế cấp huyện về Trung tâm Y tế huyện quản lý.
Khi mới thành lập, các đơn vị y tế tuyến huyện như Bệnh viện đa khoa huyện Sông Lô phải trú nhờ Trạm Y tế xã Tân Lập; Trung tâm Y tế huyện đóng tại Trường Tiểu học Nhạo Sơn với cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế thiếu thốn.
Được sự quan tâm của tỉnh, ngành Y tế và huyện Sông Lô, đến nay, cơ sở hạ tầng Trung tâm Y tế huyện được đầu tư xây dựng trên diện tích hơn 4ha, các công trình xây dựng khang trang, hiện đại, đồng bộ với các khoa phòng chức năng theo tiêu chuẩn, với 3 khối nhà làm việc, khu vực điều trị nội trú quy mô trên 200 giường bệnh...
Thầy thuốc Ưu tú Phan Kim Trọng, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng bộ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sông Lô cho biết: Khi mới thành lập, Trung tâm chỉ có 9 bác sĩ (gồm cả Bệnh viện và Trung tâm Y tế). Xác định nguồn nhân lực là yếu tố then chốt, quyết định chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, Trung tâm luôn coi trọng công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên y tế trên nhiều lĩnh vực với nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả.
Từ năm 2015, Trung tâm đã thực hiện chính sách thu hút ưu đãi bác sĩ về làm việc lâu dài. Đến nay, Trung tâm Y tế huyện Sông Lô là Trung tâm Y tế hạng III, đa chức năng, có hơn 270 cán bộ, y bác sĩ ở 20 khoa phòng chức năng và 1 Phòng khám đa khoa cùng 17 Trạm Y tế xã, thị trấn.
Tỷ lệ cán bộ có trình độ sau đại học chiếm gần 10%, trình độ đại học chiếm 35,4%. Tỷ lệ đảng viên chiếm trên 40%. 100% thôn, bản có nhân viên y tế, bình quân mỗi Trạm Y tế có từ 5 - 7 cán bộ, nhân viên; 100% Trạm Y tế đạt chuẩn, có bác sĩ và nữ hộ sinh... Nhờ đó, đã làm chủ được kỹ thuật chuyên môn, phát triển nhiều kỹ thuật tại tuyến và vượt tuyến, nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh cũng như phòng dịch.
Khẳng định đơn vị xuất sắc tuyến huyện
Trong những năm qua, với sự nỗ lực quyết tâm của tập thể lãnh đạo, cán bộ thầy thuốc và nhân viên y tế từ huyện đến xã nên các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao thực hiện hàng năm đều đạt so với yêu cầu.
Trên địa bàn huyện không có dịch bệnh truyền nhiễm lớn xảy ra, không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, các chương trình y tế như tiêm chủng mở rộng, phòng chống lao, phong, tâm thần, y tế học đường, an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe sinh sản, dân số kế hoạch hóa gia đình… được triển khai đồng bộ, hiệu quả và đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Tỷ lệ lập hồ sơ sức khỏe cá nhân cho người dân trên địa bàn đạt 98,2%; 17/17 xã, thị trấn trên địa bàn đạt chuẩn Quốc gia về y tế, góp phần thành công vào Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Công tác khám, chữa bệnh tiếp tục được cải thiện nâng cao từ khâu tiếp đón, hướng dẫn người bệnh đến chất lượng chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nội trú được đảm bảo, tỷ lệ người bệnh khỏi bệnh ra viện đạt trên 95%, số trường hợp phải chuyển lên tuyến trên giảm, được người bệnh và người dân đánh giá cao.
Việc phát triển các dịch vụ kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng y tế được quan tâm chú trọng, đã triển khai áp dụng các kỹ thuật mới vào chăm sóc, điều trị bệnh nhân; công tác nghiên cứu khoa học được triển khai rộng rãi với nhiều đề tài cấp tỉnh, cơ sở được triển khai nghiên cứu, tổng kết góp phần nâng cao chất lượng công tác chuyên môn; công tác đảm bảo y tế trong phòng chống thảm họa thiên tai, các dịp lễ Tết được đảm bảo an toàn.
Trung tâm đã đầu tư hệ thống trang thiết bị phòng mổ, xét nghiệm tự động, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, đông y…
Đặc biệt một số phẫu thuật với kỹ thuật cao, kỹ thuật khó như tán sỏi ngược dòng, tán sỏi qua da, phẫu thuật nội soi bóc u xơ tử cung, phẫu thuật nội soi cắt u nang buồng trứng xoắn, phẫu thuật nội soi sa sinh dục, phẫu thuật nội soi chửa ngoài tử cung vỡ, phẫu thuật nội soi viêm ruột thừa lạc chỗ, phẫu thuật cho trẻ em dưới 5 tuổi, người già 96 tuổi…
Năm 2023, Trung tâm triển khai dây chuyền chạy thận nhân tạo giúp bệnh nhân không phải chuyển tuyến trên, giảm chi phí và thời gian đi lại của người bệnh, giúp cho người dân trên địa bàn được tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật hiện đại ngay tại cơ sở….
Với thành tích đó, nhiều năm qua, nhiều tập thể và cá nhân được Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh cùng các cấp, các ngành khen thưởng. Năm 2016, có 1 cá nhân được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Năm 2023 Trung tâm Y tế Sông Lô được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua “”.
Kế thừa và phát huy truyền thống 15 năm xây dựng và phát triển, ngành Y tế huyện Sông Lô đã và đang tiếp tục đổi mới quản lý, tiến dần tới tự chủ tài chính; đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo chất lượng VSATTP; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh theo hướng chất lượng cao, khai thác tốt hơn nữa việc chữa bệnh bằng phương pháp đông y vừa thuận lợi và giảm chi phí cho người bệnh.
Tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khám, chữa bệnh; đẩy mạnh xã hội hoá, tăng cường liên doanh, liên kết lắp đặt các trang thiết bị hiện đại, đa dạng hóa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm, tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật vào khám chữa bệnh; đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch ngay từ ở cơ sở, thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, phấn đấu “Vì sự hài lòng của người bệnh”.
Bài, ảnh: Xuân Hùng