Ngay trong những ngày đầu Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, nhiều chợ, cửa hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh đã mở cửa hoạt động trở lại. Nguồn cung dồi dào nên giá cả các loại hàng hóa nhìn chung vẫn giữ mức ổn định, chỉ tăng nhẹ ở nhóm hàng thực phẩm tươi sống.
Ngay từ mùng 3 Tết, người dân chọn mua nhiều loại thực phẩm tươi sống tại chợ Vĩnh Yên.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngay từ ngày mùng 3 Tết, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại đã bắt đầu hoạt động trở lại, một số tiểu thương kinh doanh tại các chợ truyền thống, chợ dân sinh và cửa hàng cũng bắt đầu mở cửa để bán “lấy ngày” trong dịp đầu năm.
Có mặt tại chợ huyện xã Triệu Đề (Lập Thạch), hàng hóa bày bán trong những ngày này chủ yếu tập trung vào nhóm hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt bò, thủy hải sản, rau củ quả các loại; giá cả các mặt hàng tăng nhẹ so với ngày thường nhưng không có sự biến động mạnh so với thời điểm cận Tết.
Phiên chợ Huyện (xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch) đầu năm vào sáng mùng 3 Tết thu hút nhiều người dân đến mua sắm.
Giá thịt bò dao động ở mức từ 250 - 280 nghìn đồng/kg, thịt lợn có giá 120 nghìn đồng/kg đối với thịt ba chỉ và 100 nghìn đồng/kg đối với thịt mông sấn...
Do trong dịp Tết, các gia đình thường chung nhau “đụng” lợn nên lượng thịt tiêu thụ sau Tết tại chợ không lớn. Tại khu vực bán các loại thủy, hải sản, không khí mua bán có phần tấp nập, nhộn nhịp hơn.
Bà Lê Thị Lan, tiểu thương bán cá cho biết: Những ngày sau Tết, người dân có nhu cầu thay đổi khẩu vị nên thường mua các loại tôm, cá để ăn lẩu, nên giá cả các mặt hàng này cũng tăng nhẹ và việc buôn bán cũng thuận lợi hơn. Cụ thể, cá chép có giá từ 65 - 70 nghìn đồng/kg, cá trắm từ 75 - 80 nghìn đồng/kg...
Giá các loại rau, củ, quả có phần ổn định hơn, hầu hết chỉ tăng từ 2 - 3 nghìn đồng/kg so với ngày thường. Riêng giá các loại quả có phần cao hơn so với ngày thường nhưng lại giảm so với cận Tết. Tuy nhiên, sức mua khá chậm.
Lý giải về điều này, chị Nguyễn Thị Thanh, tiểu thương tại chợ cho rằng, do kinh tế năm vừa qua khó khăn nên người dân có tâm lý thắt chặt chi tiêu hơn nên mặc dù những ngày đầu năm người dân thường đi lễ, chùa song sức tiêu thụ cũng không mạnh hơn là mấy.
Tại chợ Vĩnh Yên, ngay từ ngày mùng 3 Tết đã có nhiều gian hàng kinh doanh thực phẩm mở cửa trở lại, phục vụ nhu cầu của người dân. Ngay từ sáng mùng 4 Tết, gian hàng bán các loại hải sản của chị Nguyễn Thị Thanh Trang (hải sản Huyền Trang) đã mở hàng khai Xuân.
Để phục vụ người dân, chị Trang cho biết đã nhập hơn 4 tạ tôm các loại với giá bán ra chỉ cao hơn ngày thường từ 10 - 20 nghìn đồng/kg. Trong khi giá các loại thịt, cá, tôm chỉ tăng nhẹ so với ngày thường, song mặt hàng đậu phụ ghi nhận tăng gần gấp đôi do người dân có nhu cầu ăn đạm bạc để thanh lọc, giải ngấy sau dịp Tết. Tuy nhiên, do là buổi chợ đầu năm với tâm lý thỏa mái nên mức giá này vẫn được người mua hàng vui vẻ chấp nhận.
Từ ngày 11/2 (mùng 2 Tết), siêu thị Go! Vĩnh Phúc mở cửa hoạt động bình thường từ 8 - 22 giờ mỗi ngày và hệ thống siêu thị Winmart, Co.opmart mở cửa trở lại từ ngày 13/2/2024 (mùng 4 Tết); giá cả hàng hóa được duy trì ổn định từ trước, trong và sau Tết.
Ngay sau Tết, nhiều quầy kệ đã nhanh chóng được các siêu thị bổ sung hàng hóa. Tuy nhiên, lượng khách hàng đến siêu thị mua sắm ít, chủ yếu là khách đến thăm quan, chụp ảnh và mua một số mặt hàng thực phẩm tươi sống trong dịp đầu năm.
Nhìn chung, thị trường thực phẩm sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 khá dồi dào, giá cả ổn định. Theo báo cáo của Sở Công thương, trong dịp Tết, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tăng giá bất hợp lý đối với hầu hết các mặt hàng. Các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân được các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cung cấp đầy đủ.
Có được kết quả trên, bên cạnh nguồn cung thực phẩm dồi dào, phải kể đến sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, ngành chức năng và việc chấp hành của cơ sở, đơn vị̀ sản xuất, kinh doanh giúp tình hình thị trường giá cả hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Qua đó, giúp nhân dân vui Xuân, đón Tết sung túc, đủ đầy.
Bài, ảnh: Lưu Nhung