Tảo mộ là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam, thể hiện hiếu đạo của con cháu đối với ông bà, tổ tiên, những người đã khuất trong dịp Tết đến, Xuân về.
Tảo mộ dịp cuối năm là phong tục đẹp của người Việt Nam. Ảnh: Trà Hương
Theo quan niệm của người Việt, tục tảo mộ (một số địa phương gọi là chạp mả) được thực hiện vào dịp cận Tết Nguyên đán, thường bắt đầu từ đầu tháng Chạp. Tùy theo điều kiện của từng gia đình mà con cháu sẽ sum họp, cùng nhau đến chăm sóc, sửa sang, dọp dẹp lại phần mộ của người thân để tỏ lòng biết ơn tổ tiên, hướng về nguồn cội.
Chị Nguyễn Khánh Linh ở thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên cho biết: "Mỗi dịp cuối năm, mấy anh em trong gia đình tôi lại bàn bạc, sắp xếp, bố trí thời gian để cùng đi tảo mộ cho bố mẹ, ông bà trước 23 tháng Chạp. Công việc dọn dẹp lại mộ phần phải được hoàn thành rồi mới mời ông bà, tổ tiên về nhà đón Tết cùng con cháu".
Mặc dù cuối năm là thời điểm công việc bận rộn, nhưng các con cháu dù đang làm ăn ở xa cũng luôn cố gắng dành thời gian trở về quê hương để thăm viếng mộ phần, dâng nén nhang tưởng nhớ tổ tiên. Hằng năm, từ ngày mùng 10-15 tháng Chạp, gia đình anh Lê Trung Đức ở quân Thanh Xuân, thành phố Hà Nội cùng nhau về quê để tảo mộ ông bà, tổ tiên.
Anh Đức cho biết: “Gia đình tôi sinh sống ở Hà Nội nên rất ít khi về quê. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm, mặc dù công việc bận rộn, gia đình tôi vẫn cố gắng thu xếp thời gian về quê để thăm viếng, chăm sóc mộ phần và mời ông bà về đón Tết. Cả gia đình tập trung tại khu mộ để phát quang, dọn dẹp cây cỏ mọc xung quanh, quét lớp sơn mới để phần mộ của các cụ được khang trang, sạch sẽ hơn".
Vào mỗi dịp cuối năm, các gia đình thường thăm viếng mộ, sửa sang, làm sạch đẹp nơi an nghỉ của ông bà, tổ tiên, người thân của mình. Ảnh: Trà Hương
Để thể hiện sự trang nghiêm, kính lễ với bề trên, trước khi thực hiện dọn dẹp phần mộ, những người cao tuổi nhất trong gia đình, có uy tín trong dòng họ hoặc là con trưởng đại diện gia đình sẽ đốt đèn, thắp nhang, mời rượu, cúng bánh và khấn vái xin phép các cụ. Sau đó, mỗi thành viên trong gia đình sẽ nhổ cỏ, quét dọn lối đi xung quanh khu vực mộ; dùng khăn, chổi sạch để phủi bụi, lau sạch phần mộ... Khi tất cả các thủ tục xong xuôi, gia đình sẽ trang trọng đặt hoa, lễ vật lên phần mộ và thắp nén hương tưởng nhớ người thân đã khuất.
Lần đầu tiên được theo bố đi tảo mộ, em Lỗ Hồng Mai ở phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Khi bước vào nghĩa trang của dòng họ, em cùng các anh chị được hướng dẫn nhổ cỏ, dọn dẹp quanh khu vực phần mộ các cụ trong gia đình đúng cách để không phạm vào sự linh thiêng.
Trong lúc lau dọn mộ, các chú, các bác cũng giới thiệu cho chúng em biết là đang tảo mộ của ai, quan hệ thế nào và rồi vừa làm, vừa kể, nhắc lại cho nhau nghe những kỷ niệm về người đã khuất... Sau phần lau dọn, chúng em thắp hương báo cáo thành tích đã đạt được trong năm học vừa qua và xin ông bà phù hộ năm mới cả gia đình mạnh khỏe, bình an”.
Ông Dương Đắc Khoa, trưởng họ Dương, phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Trước đây do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên mộ phần chủ yếu được đắp bằng đất. Ngày nay, hầu hết các gia đình đều xây cất mộ phần bằng gạch, đá khang trang nên khi đi tảo mộ chỉ cần quét dọn, lau chùi lại cho sạch sẽ. Quá trình tảo mộ phải thể hiện sự thành kính với bề trên. Đây không chỉ là phong tục truyền thống tưởng nhớ những người đã khuất mà còn là một hoạt động mang tính dòng tộc rõ nét, thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân với gia đình và dòng họ”.
Phong tục tảo mộ đã có từ rất lâu đời, được các thế hệ người Việt gìn giữ, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống thể hiện đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”. Thông qua phong tục này nhằm thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong gia đình, củng cố mối quan hệ anh em trong dòng họ, quê hương; đồng thời, giáo dục cho con cháu về lòng hiếu thảo với ông bà, tổ tiên, hướng về nguồn cội, từ đó, bồi đắp cho mỗi thành viên trong gia đình tình cảm sâu nặng, Tết càng thêm ý nghĩa hơn.
Hương Giang