Những tập tục, nét sinh hoạt văn hóa, lễ hội đặc sắc dịp Tết Nguyên đán của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh được tái hiện trong không gian “Tết xưa và nay” tại Văn Miếu tỉnh, giúp người dân và du khách tìm hiểu về phong tục đón Tết cổ truyền của người Việt. Đây là một trong những hoạt động thiết thực, ý nghĩa mừng Đảng, mừng Xuân và đón chào năm mới 2024.
Trưng bày chuyên đề "Tết xưa và nay" tại Văn Miếu tỉnh thu hút nhiều người dân và du khách tới tham quan. Ảnh: Kim Ly
Nhiều góc tại Văn miếu tỉnh được trang trí mang đậm không gian Tết xưa, thu hút nhiều giới trẻ tới check in. Ảnh Kim Ly
Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt. Tết đến, Xuân về là lúc khép lại năm cũ, mở ra một năm mới với bao niềm tin và ước vọng về những điều tốt đẹp, an lành, hạnh phúc, may mắn, thành công.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, những phong tục đón Tết, vui Xuân vẫn được nhân dân gìn giữ, thực hành trong đời sống. Là tỉnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống, phong tục đón Tết, vui Xuân của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh vừa mang những nét chung của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, vừa có những nét đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Tết Giáp Thìn 2024 đang đến gần, để người dân, du khách tìm về những hoài niệm Tết xưa, tìm hiểu tập tục, nét sinh hoạt văn hóa, lễ hội đặc sắc trong dịp Tết, từ ngày 30/1-19/2, Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày chuyên đề “Tết xưa và nay” tại khu Nội tự, Văn Miếu tỉnh.
Gần 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật được sắp xếp, trưng bày theo 2 chủ đề “Tết Nguyên đán - di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc” và “Xuân về trên quê hương Vĩnh Phúc” đã tái hiện hình ảnh về các hoạt động chuẩn bị đón Tết của người dân như chợ quê, chợ hoa ngày Tết, làng hoa vào vụ Tết; trang hoàng, dọn dẹp, bày trí nhà cửa, sửa soạn bàn thờ, bày mâm ngũ quả; chuẩn bị lương thực, thực phẩm, gói bánh chưng, nấu bánh chưng…
Cùng với đó là hoạt động thực hành các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, vui chơi giải trí tiêu biểu và đặc sắc trong dịp Tết như lễ cúng ông Công, ông Táo, thả cá chép; tảo mộ; sửa soạn, bày biện bàn thờ, mâm cỗ cúng tất niên, cúng giao thừa; hái lộc; chúc Tết; mừng tuổi; đi lễ, du Xuân đầu năm và một số trò chơi dân gian ngày Tết…
Những phong tục đón Tết của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cũng được tái hiện trong không gian trưng bày như tục dán giấy đỏ làm lễ Chí Dịt cho các vật dụng trong nhà; cách gói bánh chim gâu và bánh chưng gù; tập luyện điệu múa Sình ca của dân tộc Cao Lan; trình diễn làn điệu Soọng cô chúc Xuân của dân tộc Sán Dìu; nghi thức đón Tết Nguyên đán của người Dao…
Ngoài ra, trưng bày còn tái hiện bầu không khí đông vui, nhộn nhịp trong các lễ hội truyền thống dịp đầu Xuân như Lễ hội Tây Thiên (Tam Đảo), Lễ hội Rước Nước đền Ngự Dội (Vĩnh Tường), Lễ hội Chọi trâu (Sông Lô), Lễ hội Cướp Phết (Lập Thạch), Lễ hội Kéo Song (Bình Xuyên)…
Đến tham quan trưng bày “Tết xưa và nay” tại Văn Miếu tỉnh, em Lê Thu Thảo, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Được ngắm nhìn các hiện vật như tủ chè, sập gụ, hoành phi câu đối, bộ thờ bằng đồng, chai rượu chanh, mứt Tết… giúp em hiểu hơn về đời sống sinh hoạt và phong tục đón Tết của ông, cha ta từ thời kỳ bao cấp.
Em cũng được tìm hiểu về các nghi lễ, phong tục đón Tết của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thông qua những hình ảnh, hiện vật phong phú, đa dạng, được trình bày khoa học, đẹp mắt. Nhờ đó, em hiểu hơn về những nét đẹp văn hóa trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc; trân trọng, gìn giữ và tiếp nối truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đến mai sau".
Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lê Hải cho biết: "Trưng bày chuyên đề “Tết xưa và nay” thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, thưởng lãm và chụp ảnh check-in; góp phần đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hóa, vui chơi, giải trí của người dân và du khách trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Thông qua những hình ảnh, hiện vật trưng bày tại Văn Miếu tỉnh giúp mỗi người có ý thức giữ gìn và trân quý những giá trị tốt đẹp của ngày Tết cổ truyền; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bồi đắp tình yêu yêu quê hương, đất nước, giúp mỗi người sống có trách nhiệm hơn với gia đình, cộng đồng, Tổ quốc".
Bạch Nga