Xác định vai trò quan trọng của nguồn lực ĐTC, các cấp chính quyền trong tỉnh đẩy mạnh tổ chức thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các ngành, lĩnh vực thiết yếu… tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng của tỉnh trong giai đoạn tới.
Nguồn vốn đầu tư công phát huy vai trò "vốn mồi" trong đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác nhiều dự án hạ tầng giao thông huyết mạch trên địa bàn tỉnh. (Ảnh chụp cầu Đầm Vạc về đêm). Ảnh: Nguyễn Lượng
Kể từ khi Luật Đầu tư công năm 2014 có hiệu lực, công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý ĐTC đã được tỉnh thực hiện đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả. Tỉnh đã gắn trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện và giải ngân vốn ĐTC.
Trong giai đoạn 2016 - 2022, tỉnh tổ chức nhiều hội nghị giải ngân vốn ĐTC và thành lập các Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Tổng nguồn vốn ĐTC giai đoạn từ 2016 - 2022 đạt hơn 40.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh quyết định chủ trương đầu tư 1.390 dự án với tổng mức đầu tư hơn 28 nghìn tỷ đồng; giai đoạn 2021 - 2022, quyết định chủ trương đầu tư 821 dự án với tổng mức đầu tư hơn11 nghìntỷ đồng.
Ngoài ra, các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn ngân sách Trung ương và vốn đối ứng của ngân sách tỉnh giai đoạn từ 2016 - 2022 đạt trên 12 nghìn tỷ đồng.
Nguồn vốn đầu tư cơ bản theo mục đích, đối tượng; tập trung đầu tư cho các công trình thiết yếu, dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình trường học, y tế, Làng văn hoá kiểu mẫu… tạo động lực thúc đẩy phát triển KT - XH và thu hút đầu tư tư nhân.
Nhờ đó, hạ tầng KT - XH của tỉnh phát triển đồng bộ, hiện đại gồm 16 KCN được thành lập với tổng diện tích quy hoạch 2.776 ha; 16 CCN đã có chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng với tổng diện tích gần 424 ha.
Hạ tầng thủy lợi từng bước được tăng cường, củng cố theo hướng hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Cơ sở vật chất ở các khu du lịch trọng điểm như Khu du lịch Tam Đảo, Khu danh thắng Tây Thiên, Khu du lịch Đại Lải… cơ bản được hoàn thiện và đang tiếp tục được đầu tư, nâng cấp.
Lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông vận tải đã và đang triển khai nhiều dự án huyết mạch nhằm thu hút đầu tư, lưu thông hàng hóa như Dự án Cầu Đầm Vạc sử dụng vốn vay Quỹ OFID; cầu Vĩnh Phú nối 2 tỉnh Vĩnh Phúc - Phú Thọ; xây dựng thêm nút giao IC2 và IC5 kết nối mạng lưới giao thông của tỉnh với cao tốc Hà Nội - Lào Cai bằng nguồn ngân sách địa phương.
Phối hợp với thành phố Hà Nội thực hiện đầu tư dự án giao thông kết nối từ đê tả sông Hồng đến cầu Vân Phúc; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, thành phố Hà Nội và tỉnh Thái Nguyên triển khai dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng thủ đô trên địa bàn tỉnh (tuyến đường vành đai 5 ‑ thủ đô Hà Nội); từng bước hoàn thành, khép kín 5 tuyến đường vành đai của tỉnh và các trục đường hướng tâm, đường trục Bắc - Nam, đường trục Đông - Tây…
Thông qua đó tạo sự liên kết với các tuyến quốc lộ, cao tốc kết nối các đầu mối giao thông quan trọng của vùng và cả nước góp phần thay đổi diện mạo, tạo động lực cho phát triển và thu hút các nguồn lực ngoài Nhà nước đầu tư vào tỉnh.
Bám sát các nhiệm vụ và mục tiêu phát triển KT - XH đến năm 2025, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục ĐTC; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn ĐTC.
Thường xuyên hướng dẫn, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho công chức, viên chức thực hiện quản lý nhà nước về ĐTC và các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nhằm thiết lập cơ chế cũng như tăng cường vai trò phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện.
Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chú trọng ngay từ đầu công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư đến công tác khảo sát, thiết kế, lập dự án, lựa chọn nhà thầu…
Nghiên cứu đề xuất xây dựng danh mục công trình, dự án lớn để tập trung nguồn lực đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT - XH cho khu vực, liên khu vực. Tranh thủ nguồn lực từ ngân sách Trung ương để có thêm nguồn lực đầu tư phát triển KT - XH, đảm bảo quốc phòng an ninh, đặc biệt là hệ thống giao thông.
Các cơ quan chức năng, chủ đầu tư tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho từng dự án để hỗ trợ, đôn đốc nhà thầu, đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo giải ngân theo kế hoạch.
Coi thanh tra, kiểm tra là một trong những công cụ hữu hiệu để phát hiện những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý vốn ĐTC, qua đó đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, khắc phục.
Chú trọng công tác dân vận nhằm vận động, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân trong giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư... lấy nguồn vốn ĐTC làm vốn “mồi” để tạo đột phá phát triển kết cấu hạ tầng KT - XH của tỉnh trong giai đoạn tới.
Ngọc Lan