Trong thuật ngữ y khoa, bệnh lười không có trong tự điển. Nói cách khác, ngành Y không ghi nhận “lười” là một loại bệnh. Chính vì vậy, y học cũng chưa điều chế ra bất kỳ loại thuốc đặc trị nào cho “căn bệnh” này.
Thường xuyên rèn luyện thể dục-thể thao để tăng cường sức khỏe là một trong những giải pháp quan trọng chữa “bệnh” lười vận động
Thế nhưng, trên thực tế, xưa nay nhân loại vẫn gọi lười là một loại bệnh, thậm chí dùng từ kép là “bệnh lười” để chỉ những người có tính lười nhác.
Tại sao không được coi là bệnh mà vẫn gọi là bệnh vì nhiều lí do. Lười không vận động sẽ sinh ra bệnh tật ốm yếu. Lười không chịu học tập sẽ thiếu kiến thức, trình độ. Lười không chịu tư duy, suy nghĩ sẽ sinh ra thiển cận, chây ì. Lười lao động dẫn đến đói nghèo cho bản thân, gia đình và không góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.
Do đó có thể nói, lười vốn không phải là một căn bệnh bẩm sinh có sẵn trong cơ thể mà là một dạng tâm bệnh phát ra từ tiềm thức, tư duy và suy nghĩ của một số người. Tai hại ở chỗ, bệnh tật nếu phát hiện sớm còn có cơ hội chữa khỏi, chứ bệnh lười thì dù phát hiện sớm hay muộn cũng không có cách gì điều trị, trừ khi đích thân người bệnh thay đổi tư duy.
Nhìn rộng ra xung quanh sẽ thấy, tại sao có những cơ quan, doanh nghiệp này thì làm ăn thuận lợi, phát triển không ngừng. Cơ quan, doanh nghiệp khác lại giậm chân mãi một chỗ, thậm chí rơi vào tình trạng phá sản hoặc buộc phải tái cơ cấu. Đó chắc chắn do người đứng đầu và đội ngũ người lao động không chịu đổi mới tư duy, thích ứng với xu thế phát triển của thời đại.
Đặc biệt, có một bộ phận không nhỏ, nhất là giới trẻ hiện nay rất lười suy nghĩ, có tư tưởng dựa dẫm, ỷ lại, trông chờ vào người khác. Trong gia đình thì không muốn động tay chân vào bất cứ việc gì. Ra xã hội việc gì cũng thấy khó, thấy vất vả. Ở cơ quan, đơn vị thì thoái thác, trốn tránh nhiệm vụ. Với những trường hợp này, họ thực sự là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Đáng buồn là có những thanh niên sức dài vai rộng, nhưng lười lao động, chỉ thích hưởng thụ nên sớm sa chân vào con đường phạm tội. Đáng tiếc là có những người việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng, nên quanh năm đói nghèo, đến mức phải đăng ký làm hộ nghèo để nhận hỗ trợ của xã hội.
Đáng ái ngại là có những trường hợp rất chăm chỉ, năng động trong vượt khó vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và cộng đồng, nhưng vô cùng lười vận động, tuyệt đối không có suy nghĩ hay hành động nào dành cho việc rèn luyện, chăm sóc sức khỏe bản thân. Kết quả là khi có tuổi, hầu hết trong số họ chỉ dùng tiền bạc, của cải kiếm được trước đó đi chữa bệnh.
Lần giở trong sử sách sẽ thấy, ngay từ những năm tháng đầu tiên khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Công việc khẩn cấp bây giờ” đã cảnh báo sớm về những biểu hiện, tính nguy hại của bệnh lười biếng. Chính vì vậy, việc nhận diện và đấu tranh phòng, chống bệnh lười biếng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân là một trong những vấn đề rất cần thiết hiện nay.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lười biếng là kẻ địch của chữ “Cần” trong “Cần, kiệm, liêm, chính”. Vì vậy, lười biếng cũng là kẻ địch của dân tộc. Một người lười biếng có thể ảnh hưởng tai hại đến công việc của hàng nghìn, hàng vạn người khác. Người nhấn mạnh, người lười biếng tự cho mình làm cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết. Làm biếng học hỏi, làm biếng suy nghĩ. Việc dễ thì tranh lấy cho mình. Việc khó thì đùn cho người khác. Gặp việc nguy hiểm thì tìm cách để trốn tránh.
Khi cho rằng lười biếng cũng là đắc tội với đồng bào, với Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra hình ảnh so sánh: Nếu có một người, một địa phương hoặc một ngành mà lười biếng, thì khác nào toàn chuyến xe chạy mà một bánh xe trật ra ngoài đường ray. Họ sẽ làm chậm trễ cả chuyến xe. Vì vậy, người lười biếng là có tội với đồng bào, với Tổ quốc...
Chúng tôi cho rằng, không khó để nhận diện bệnh lười. Có khó chăng là cách khắc phục căn bệnh này. Tuy nhiên, nếu suy nghĩ một cách sâu xa, việc điều trị căn bệnh này cũng không phải quá khó.
Người xưa có khá nhiều câu đúc kết có thể liên tưởng tới việc điều trị căn bệnh lười. Nào là “Già đòn non nhẽ”, nào là “Đói đầu gối phải bò” hay “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”… Với những tập thể lười cần phải có hình thức xử lý, kỷ luật kịp thời, thích đáng. Với những cá nhân lười, cắt bỏ mọi hỗ trợ về kinh tế hay điều kiện giúp đỡ khác để họ không còn chỗ trông chờ, dựa dẫm thì tự khắc sẽ phải vận động.
Xưa nay chỉ thấy người ta chịu đựng vất vả, khổ cực chứ có thấy mấy ai… chịu chết vì lười đâu. Không cho cơ hội để lười nữa là yên chuyện!
Bài, ảnh: Long Dương