Đáp ứng xu hướng phát triển của thời đại, ngành Giáo dục Vĩnh Phúc tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm “Đổi mới căn bản, toàn diện” và đạt được nhiều kết quả quan trọng, từng bước đưa Giáo dục Vĩnh Phúc tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và quốc tế.
Thực hiện đổi mới giáo dục, các trường học trên địa bàn tỉnh chú trọng dạy học theo hướng tăng trải nghiệm, thực hành, thực hiện dự án học tập. Ảnh: Trà Hương
Ngành GDĐT đã tham mưu UBND tỉnh tăng cường đầu tư và huy động sự tham gia đóng góp của xã hội để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị dạy học cho các nhà trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; ban hành cơ chế khuyến khích các tổ chức quốc tế, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực GDĐT, xây dựng các trường phổ thông quốc tế, đến nay, Vĩnh Phúc có 2 cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập theo hướng chất lượng cao là Trường Phổ thông liên cấp Newton, Trường THCS&THPT Đào Duy Từ…
Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, Vĩnh Phúc tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục có năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Công tác tuyển dụng giáo viên được đẩy mạnh; đặc biệt, chú trọng tuyển dụng giáo viên theo chính sách thu hút người tài, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Đồng thời, tăng cường công tác bồi dưỡng cho CBQL, nhà giáo về đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học.
Sở GDĐT xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” của tỉnh, trong đó, tăng cường liên kết, hợp tác phát triển chuyên môn cho đội ngũ giáo viên giữa các cơ sở giáo dục, các địa phương, các nước trong khu vực và thế giới.
Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Ảnh: Minh Hường
Mới đây nhất, Sở GDĐT đã tiếp đón, làm việc với Đoàn công tác Trường Quốc tế Hwa Chong (Singapore) thảo luận về chiến lược hợp tác dài hạn giữa 2 bên, trong đó, có kế hoạch hỗ trợ đào tạo đội ngũ giáo viên tạo thuận lợi cho phát triển giáo dục của tỉnh.
Trong công tác chuyên môn, Sở GDĐT tham mưu UBND tỉnh đổi mới công tác tuyển sinh đầu cấp, các cuộc thi học sinh giỏi theo hướng thực chất, trọng tâm, giảm áp lực, từ đó, tạo sự chuyển biến căn bản và toàn diện trong công tác tổ chức dạy và học. Chương trình giáo dục được đổi mới trong các bậc học, cấp học. Bậc mầm non thực hiện xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; khuyến khích áp dụng, tích hợp phương pháp giáo dục tiên tiến STEM, Montessori, góp phần phát triển toàn diện nhân cách của trẻ.
Chương trình giáo dục phổ thông được đổi mới theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, trọng tâm là Chương trình GDPT 2018. Đội ngũ giáo viên tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá như dạy học tích hợp, dạy học liên môn theo mô hình giáo dục STEM, tăng cường sử dụng thiết bị dạy học, ứng dụng CNTT trong bài giảng, gắn bài học với kiến thức thực tế, tăng trải nghiệm, thực hành; đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá bằng bài kiểm tra, dự án học tập, đề tài nghiên cứu…; đặc biệt chú trọng dạy học ngoại ngữ, tin học, đáp ứng xu hướng phát triển và hội nhập toàn cầu.
Trường THCS Vĩnh Tường được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Ảnh: Minh Hường
Các nhà trường chú trọng giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống và trách nhiệm công dân cho học sinh, duy trì các nội dung dạy học truyền thống có giá trị và phù hợp, bổ sung những nội dung cần thiết khi hội nhập quốc tế; tăng cường các hoạt động ngoại khóa, trang bị cho học sinh kỹ năng sống và làm việc đa quốc gia, kỹ năng giải quyết vấn đề trong thế giới hội nhập…
Với sự nỗ lực của toàn ngành, công cuộc đổi mới giáo dục của Vĩnh Phúc đã đạt được kết quả quan trọng. Môi trường sư phạm mở, trường học hạnh phúc đang hiện hữu, trong đó, giáo viên và học sinh được tôn trọng, được yêu thương, được phát huy năng lực, tính chủ động, sáng tạo trong dạy và học; đặc biệt, học sinh được phát triển toàn diện cả thể chất, trí tuệ, tâm hồn.
Chất lượng giáo dục của tỉnh luôn đứng tốp đầu cả nước. Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2022-2023, Vĩnh Phúc có 79 học sinh đạt giải, trong đó, có 5 giải Nhất, đứng thứ 3 cả nước về số lượng giải Nhất của kỳ thi; 1 học sinh dự thi và đoạt Huy chương Đồng Olympic quốc tế, đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh 5 năm liền có học sinh đạt giải Olympic quốc tế.
Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Vĩnh Phúc đứng đầu cả nước về điểm trung bình các môn thi; đứng thứ 5 cả nước về số điểm 10. Chất lượng dạy học ngoại ngữ ngày càng tăng cao, đứng vị trí thứ 7 toàn quốc tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; nhiều học sinh đạt kết quả cao tại các kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo chuẩn quốc tế.
Những kết quả đạt được trong công cuộc đổi mới của ngành GDĐT tỉnh đã từng bước đưa giáo dục Vĩnh Phúc phát triển ngang tầm giáo dục các nước trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2030, Vĩnh Phúc tham gia vào mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.
Minh Hường