Sự phát triển của các ngành dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã phát huy được tiềm năng, lợi thế, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế của vùng và cả nước, Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tốc độ nhanh và bền vững, phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh dịch vụ viễn thông, MobiFone Vĩnh Phúc triển khai các giải pháp công nghệ số như chữ ký điện tử, hoá đơn điện tử, truyền thanh thông minh... phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Lượng
Quy hoạch phát triển KT - XH của tỉnh qua từng thời kỳ luôn xác định phát triển các ngành dịch vụ với chất lượng cao, đa dạng, sự tham gia của các thành phần kinh tế trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Thực tế, các dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành bước đầu đáp ứng nhu cầu của du khách; lĩnh vực du lịch ngày càng phát triển theo hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; dịch vụ thương mại phát triển có sự gắn kết chặt chẽ với sản xuất, thúc đẩy cung ứng vật tư, nguyên liệu đầu vào kết hợp với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Các doanh nghiệp thương mại lớn được tạo điều kiện và khuyến khích phát triển, tạo nên hệ thống phân phối hiện đại và gắn chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu dùng. Dịch vụ tài chính, tín dụng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, góp phần hỗ trợ thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội ở địa phương...
Giai đoạn 2016 - 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh đạt mức tăng trưởng hơn 10%/năm, tăng trưởng cao hơn so với bình quân vùng Đồng bằng sông Hồng (9,4%/năm) và cả nước (8,5%/năm).
11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh tăng 19,48% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 17,03%; doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 16,52%; dịch vụ ăn uống tăng 49,35%; du lịch lữ hành tăng 152,14%. Hoạt động giao thông vận tải ổn định, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh.
Điển hình trong lĩnh vực thông tin liên lạc, các doanh nghiệp hoạt động ngày càng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa dịch vụ, đáp ứng tốt yêu cầu về dịch vụ viễn thông, Internet, thuê kênh… cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 1,1 triệu thuê bao điện thoại; trên 190.000 thuê bao Internet; 50.000 thuê bao truyền hình trả tiền. Mạng thông tin di động 3G, 4G đã được phủ sóng đến 100% các khu dân cư trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, Vĩnh Phúc là 1 trong 9 địa phương đầu tiên trên cả nước có sóng 5G, tạo thuận lợi cho việc tạo dựng, kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu đảm bảo an toàn, an ninh mạng, kết nối trong nước và khu vực ASEAN.
Được thành lập và đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh từ năm 2008, MobiFone Vĩnh Phúc hiện có 300 trạm BTS với 70.000 khách hàng sử dụng dịch vụ thuê bao di động và hơn 100 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ hoá đơn điện tử, fastconec, các dịch vụ Internet băng rộng cố định.
Bên cạnh đó, đơn vị còn triển khai các giải pháp công nghệ số như chữ ký điện tử, hoá đơn điện tử, truyền thanh thông minh...
Đẩy mạnh hiện đại hóa hạ tầng viễn thông, mạng truyền dẫn, 11 tháng năm 2023, MobiFone Vĩnh Phúc đạt doanh thu gần 40 tỷ đồng, đạt 91% kế hoạch năm.
Anh Lương Văn Huy, Tổ trưởng Tổ kinh doanh hạ tầng viễn thông và cố định - MobiFone Vĩnh Phúc cho biết: Từ nay đến cuối năm, đơn vị tiếp tục triển khai xây dựng, đưa vào vận hành 10 trạm BTS 3G, 4G, đặc biệt chú trọng phủ sóng tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu năm 2024, tiếp tục gia tăng số lượng thuê bao di động; các dịch vụ số, công nghệ số tăng trưởng đạt 300% so với năm 2023.
Để phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tốc độ nhanh và bền vững, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tỉnh huy động hơn 35.000 tỷ đồng vốn đầu tư khu vực Nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2021 - 2025 và hơn 58.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2026 - 2030.
Phấn đấu đạt mục tiêu tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP chiếm khoảng 33 - 34% vào năm 2030; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt từ 9 - 9,5%/năm; tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ logistics đạt 18%/năm; lĩnh vực du lịch đến năm 2030 thu hút 150.000 lượt khách quốc tế và 16 triệu lượt khách nội địa.
Với mục tiêu trên, nhóm nhiệm vụ, giải pháp được tỉnh đưa ra là tích cực đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng thương mại phù hợp với từng địa bàn đô thị và nông thôn, trong đó ưu tiên xây dựng các hạng mục thiết yếu, đáp ứng nhu cầu trao đổi mua sắm của người dân theo khu vực.
Nâng cao chất lượng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho những ngành quan trọng như du lịch, dịch vụ logistics, công nghệ thông tin…
Đẩy mạnh hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối bán buôn, bán lẻ nhằm hiện đại hóa ngành thương mại, thực hiện chuyển dịch hệ thống phân phối sang các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi...
Tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như tài chính, ngân hàng, thông tin và truyền thông, du lịch, vận tải, phân phối...
Ngọc Lan