Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” được ngành GDĐT tỉnh phát động và triển khai hiệu quả đã tạo không khí thi đua sôi nổi, động viên đội ngũ nhà giáo phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý, giảng dạy; khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập, rèn luyện. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng GDĐT của tỉnh.
Giáo viên Trường tiểu học Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Ảnh: Dương Chung
Để phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ giáo viên, hằng năm, Ban Giám hiệu Trường tiểu học Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường đều tổ chức phát động phong trào thi đua, có cơ chế khen thưởng và động viên kịp thời đối với giáo viên có sáng kiến đổi mới phương pháp dạy học hiệu quả.
Nhà trường triển khai đồng bộ các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giáo viên có năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; khuyến khích đội ngũ giáo viên tự tìm tòi, học tập, nâng cao trình độ, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Sơn Nguyễn Thị Toán cho biết: “Ban Giám hiệu nhà trường luôn quan tâm, tạo điều kiện để giáo viên tham gia các khóa đào tạo nâng cao, các lớp bồi dưỡng do các cấp tổ chức và thường xuyên xây dựng các chuyên đề, tổ chức thao giảng về đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp giáo viên, nâng cao kiến thức chuyên môn, bắt nhịp với việc đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy”.
Với vai trò là Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên và giáo viên trực tiếp giảng dạy môn Toán, thầy giáo Nguyễn Công Cao đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới trong công tác quản lý và phương pháp giảng dạy, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, tạo hứng thú cho các em trong mỗi tiết học.
Thầy Cao cho biết: “Cùng với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tôi luôn tìm tòi để áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, trong đó, giáo viên là người tổ chức, định hướng các hoạt động, học sinh là trung tâm, được phát huy vai trò chủ động, sáng tạo trong học tập. Các bài giảng được thiết kế khoa học, tập trung vào trọng tâm, tránh nặng nề, quá tải và được minh hoạ bằng các thiết bị, dụng cụ học tập.
Trước các tiết học, tôi thường giao nhiệm vụ tìm hiểu về bài học mới cho các em, yêu cầu các em chia thành các nhóm và lên thuyết trình kiến thức tìm hiểu được trước lớp. Trong quá trình giảng dạy, tôi không cung cấp kiến thức có sẵn trong sách giáo khoa cho học sinh mà đóng vai trò định hướng, khích lệ, hỗ trợ học sinh tự lực khám phá, đặt học sinh vào những tình huống cụ thể để các em trực tiếp quan sát, thảo luận, phát hiện, giải quyết vấn đề theo cách suy nghĩ riêng của mình.
Trải qua quá trình tự tìm tòi, học sinh học được cách tư duy trước mỗi tình huống học tập, rèn luyện và tự mình tìm ra cách học để đạt hiệu quả cao nhất, ghi nhớ sâu kiến thức hơn. Thông qua việc trao đổi, làm việc nhóm còn giúp các em hình thành và phát triển năng lực giao tiếp, hợp tác”.
Cụ thể hóa các nội dung của phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, Sở GDĐT đã xây dựng các tiêu chí thi đua phù hợp, gắn triển khai phong trào với với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”...
Cùng với phát động thực hiện phong trào thi đua, ngành GDĐT chú trọng phát hiện, tôn vinh, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến trong thực hiện các phong trào thi đua; kịp thời biểu dương, khích lệ cán bộ quản lý, giáo viên có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm hay trong đổi mới phương pháp quản lý, giảng dạy; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Thực hiện phong trào, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã tích cực triển khai với nhiều hình thức phong phú, tập trung vào các nội dung như xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thân thiện; tích cực đổi mới trong dạy, học, thi, kiểm tra, đánh giá; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy và học, nghiên cứu khoa học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập…
Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” được triển khai hiệu quả đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn ngành, động viên đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường nỗ lực lao động, sáng tạo và khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập, rèn luyện. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng GDĐT của tỉnh, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT.
Phát huy kết quả đạt được, ngành GDĐT tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện phong trào và kịp thời phát hiện mô hình mới, nhân tố mới để bồi dưỡng, nhân rộng và tôn vinh. Đồng thời, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học cho các trường đảm bảo đồng bộ, hiện đại; tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT…
BOX: Những năm qua, chất lượng GDĐT của tỉnh tiếp tục nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước ở cả giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Năm học 2022 - 2023, Vĩnh Phúc có 79 học sinh đạt giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, đứng thứ 2 cả nước về tỷ lệ học sinh đạt giải; 1 học sinh dự thi Olympic Quốc tế môn Sinh học đoạt Huy chương Đồng; kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Vĩnh Phúc đứng đầu cả nước về điểm trung bình các môn thi, đứng thứ 5 cả nước về số điểm 10; chất lượng phổ cập giáo dục luôn ở mức cao…
Lê Mơ