Nhắc tới gia đình chị Bùi Thị Xuân ở thôn Khoái Thượng, xã Đức Bác, huyện Sông Lô, người dân trong vùng đều khâm phục vợ chồng chị bởi đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế. Nhờ trồng hoa, cây cảnh và một số loại nho cho hiệu quả kinh tế cao, gia đình chị Xuân đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Mô hình trồng nho của gia đình chị Bùi Thị Xuân đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Kim Ly
Chị Xuân sinh năm 1981, sau khi học xong THPT, năm 1999, chị lập gia đình. Cuộc sống của gia đình chị lúc đó rất vất vả, điều kiện kinh tế chưa ổn định. Cùng với làm ruộng, vợ chồng chị nhập hoa, cây cảnh ở những vựa hoa miền Bắc như Văn Giang (Hưng Yên), Gia Lâm (Hà Nội)... về bán lẻ ở các chợ, thành phố trong tỉnh.
Cũng nhờ buôn bán cây cảnh, chị Xuân đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong việc trồng hoa, cây cảnh. Năm 2005, xã Đức Bác có chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thuê đất để đẩy mạnh phát triển kinh tế, chị Xuân bàn với chồng thuê 5 ha đất trồng hoa, cây cảnh. Ban đầu, gia đình chị tập trung trồng một số loại cây được người tiêu dùng ưa thích như cúc, đinh lăng…
Từ những lứa cây đầu tiên cho thu nhập khá, vợ chồng chị quyết định nghỉ hẳn buôn bán đường dài để chuyên tâm làm vườn. Năm 2016, nhận thấy sự thay đổi của nhu cầu thị trường, chị Xuân thuê thêm 1 mẫu ruộng, đầu tư gần 300 triệu đồng mua cây giống, chuyển toàn bộ diện tích sang trồng hoa hồng với đủ các loại giống như hồng cổ Sapa, hồng bạch, hồng đào cổ, hồng leo Hải Phòng…
Ngay năm đầu tiên, vườn hồng của gia đình chị đã cho thu về hơn 800 triệu đồng. Năm 2021, chị Xuân tiếp tục mở rộng diện tích vườn thêm 4 ha, trồng hàng trăm loại cây khác nhau, trong đó có một số cây trồng thế mạnh như mẫu đơn, mộc, trà, nguyệt quế, hoa giấy…; sau khi trừ chi phí, chị Xuân thu lãi hơn 500 triệu đồng.
Trước xu hướng nhiều người có nhu cầu trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp, chị Xuân mạnh dạn đầu tư gần 3 tỷ đồng trồng nho trên diện tích 10.000 m2. Ngay từ khi bắt đầu có ý tưởng, chị đã cùng chồng đến nhiều mô hình trồng nho trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm.
Để cây nho phát triển, cho hiệu quả kinh tế cao, vợ chồng chị quyết tâm đầu tư mua giống tốt và làm hệ thống nhà giàn, mái che, hệ thống nước tưới nhỏ giọt ở từng gốc cây. Ngoài tham khảo kỹ thuật từ bên cung cấp giống, trên các phương tiện thông tin đại chúng, chị Xuân vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Ban đầu, chị trồng 1.000 gốc nho Hạ Đen với diện tích 6.000 m2. Với việc nắm chắc kỹ thuật, đầu tư bài bản, lứa nho đầu tiên, gia đình chị thu hoạch được hơn 5 tấn nho.
Để mọi người biết đến sản phẩm của mình, chị Xuân đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm qua trang cá nhân faceboook, zalo… Nhờ đó, ngay từ những ngày đầu mở cửa vườn, đã có nhiều khách đến tham quan, trải nghiệm, check-in. Các thương lái tìm đến tận vườn để mua nho, nhiều thời điểm chị không có đủ hàng để bán.
Từ thành công bước đầu, chị Xuân tiếp tục mở rộng diện tích thêm 4.000 m2 để trồng nho sữa Hàn Quốc, nho Hồng Ngọc. Hiện, mô hình của gia đình chị Xuân đang tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên với mức thu nhập trung bình từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động thời vụ.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Xuân cũng là một hội viên phụ nữ nhiệt tình, năng động trong công tác hội, là hạt nhân trong phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao của Chi hội phụ nữ thôn Khoái Thượng. Chị luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho các gia đình có nhu cầu phát triển kinh tế theo mô hình của gia đình chị.
Tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa”, chị Bùi Thị Xuân với mô hình trồng nho không hạt gắn với phát triển du lịch trải nghiệm đã đoạt giải Nhì.
Diệu Linh