Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song bằng những giải pháp đồng bộ và nắm chắc tình hình hoạt động của người nộp thuế (NNT) trên địa bàn, Cục Thuế tỉnh đang tăng cường đôn đốc các khoản thu, nỗ lực phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước (NSNN) được giao năm 2023.
Công ty CNCTech, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, xã Thiện Kế (Bình Xuyên) là doanh nghiệp quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, lắp ráp điện tử... giải quyết việc làm cho trên 2.100 lao động với mức thu nhập bình quân từ 11 - 13 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Nguyễn Lượng
Năm 2023, tình hình KT - XH của tỉnh tuy đã có những dấu hiệu hồi phục song chưa thực sự mạnh mẽ. GRDP tăng trưởng chậm, lượng hàng công nghiệp tồn kho tăng, thị trường bất động sản trầm lắng... đã tác động bất lợi đến sự phát triển chung của các thành phần kinh tế, doanh nghiệp và việc thực hiện nhiệm vụ thu nộp NSNN.
Năm 2023, Cục Thuế Vĩnh Phúc được giao dự toán thu nộp ngân sách gần 27,4 nghìn tỷ đồng, bằng 83% so với cùng kỳ. Tính đến hết tháng 10/2023, số thu do ngành Thuế quản lý đạt gần 17 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 60% dự toán và bằng 71% so với cùng kỳ. Ước cả năm, thu nội địa toàn tỉnh đạt xấp xỉ 26 nghìn tỷ đồng, đạt 95% dự toán và bằng 77% so với thực hiện năm 2022.
Đây là kết quả chưa đạt như kỳ vọng, giảm so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính xuất phát từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới còn nhiều bất ổn, ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi của các doanh nghiệp trên địa bàn, tạo sức ép đối với số thu các sắc thuế.
Dự kiến, kết quả thực hiện nhiệm vụ thu NSNN cả năm 2023 đạt khoảng 96% dự toán được giao với 10/16 khoản thu nội địa đạt và vượt dự toán.
6 khoản thu dự kiến không đạt dự toán giao đầu năm gồm: Thu doanh nghiệp Nhà nước TW; thu doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; lệ phí trước bạ; thuế bảo vệ môi trường; tiền thuê đất; tiền sử dụng đất.
Đơn cử, khoản thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 10 tháng năm 2023 đạt trên 11,5 nghìn tỷ đồng, đạt 54% dự toán và bằng 69% cùng kỳ. Ước cả năm thu gần 20 nghìn tỷ đồng, đạt 94% dự toán và bằng 78% so với năm 2022. Số thu này giảm so với cùng kỳ chủ yếu là do hai công ty Honda Việt Nam và Toyota Việt Nam bị sụt giảm sản lượng kinh doanh nên số thuế phải nộp cũng giảm theo.
Mặc dù Chính phủ đã ban hành chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, song do ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tín dụng tại các ngân hàng thương mại, điều kiện giải ngân các dự án đầu tư công khó khăn... khiến người tiêu dùng khó tiếp cận với vốn vay khi có nhu cầu mua xe ô tô, cũng vì thế nhu cầu mua sắm xe của các tổ chức, cá nhân giảm mạnh so với cùng kỳ.
Hay như khoản thu thuế bảo vệ môi trường, dự toán giao 500 tỷ đồng, thực hiện thu 10 tháng đầu năm đạt 246 tỷ đồng, đạt 49% dự toán và bằng 85% so với cùng kỳ; ước cả năm thu 300 tỷ đồng, đạt 60% dự toán và bằng 94% so thực hiện năm 2022.
Nguyên nhân đạt thấp so với dự toán là do áp dụng chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu theo quy định tại Nghị quyết số 30 ngày 30/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có hiệu lực đến hết năm 2023.
Ngoài ra, thu tiền thuê đất ước cả năm 2023 cũng chỉ đạt 150 tỷ đồng, đạt 75% dự toán và bằng 36% so thực hiện năm 2022, số thu giảm do thực hiện Quyết định số 01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19.
Để duy trì nguồn thu và bảo đảm cân đối ngân sách, trên cơ sở rà soát, đánh giá khả năng thu của từng khoản thu, sắc thuế, Cục Thuế Vĩnh Phúc đề ra một số giải pháp cụ thể, phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN ở mức cao nhất.
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính về triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH và dự toán NSNN. Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, thu hồi nợ thuế, chống thất thu.
Tiếp tục triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách về gia hạn, miễn, giảm thuế, tiền thuê đất thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động của NNT để có giải pháp đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho NNT có thêm nguồn lực, phục hồi sản xuất, đóng góp trở lại cho NSNN.
Triển khai quyết liệt, hiệu quả chiến lược cải cách hệ thống thuế, trọng tâm là công tác quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử. Rà soát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính Thuế, hiện đại hóa hệ thống, duy trì và mở rộng các dịch vụ thuế điện tử, thực hiện điện tử hóa, số hóa các khâu trong công tác quản lý thuế nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Nâng cấp, đảm bảo chất lượng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin về hóa đơn điện tử; triển khai hiệu quả hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; quản lý chặt chẽ việc sử dụng hóa đơn điện tử của NNT. Xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ phân tích, chống gian lận trong quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử.
Việt Sơn