Kỳ III: Để mỗi Làng văn hóa kiểu mẫu là một điểm sáng về phát triển kinh tế
Những mô hình kinh tế mới được xây dựng, triển khai đã tạo nên những gam màu sáng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội tại các Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM). Tuy nhiên, đây mới chỉ là những bước khởi đầu. Để mỗi LVHKM thực sự là một điểm nhấn về phát triển kinh tế của tỉnh với “Cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, người dân được hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp cận các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…”, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp, ngành, địa phương, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và hơn hết là sự thay đổi về tư duy, cách làm của mỗi người dân.
Tháo gỡ khó khăn, đưa các chính sách hỗ trợ đi vào cuộc sống
Vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ của tỉnh, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhiều mô hình phát triển kinh tế mới đã và đang được hình thành tại các LVHKM.
Mô hình trồng sen trước cổng di tích quốc gia đền Đá tại thôn Đông, xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường được Sở Khoa học và Công nghệ và huyện Vĩnh Tường hỗ trợ triển khai. Ảnh: Khánh Linh
Tuy nhiên, do mới triển khai ở giai đoạn đầu nên hầu hết các mô hình phát triển kinh tế còn nhỏ lẻ, chưa tập trung; sản xuất hàng hóa bước đầu được hình thành nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường, cũng như yêu cầu về áp dụng KHKT và cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị sản xuất.
Chia sẻ về những khó khăn trong triển khai hỗ trợ mô hình sản xuất nông nghiệp tại các LVHKM, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Quân cho biết: “Diện tích sản xuất nông nghiệp tại một số địa phương còn manh mún, gây khó khăn cho việc hình thành các mô hình sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung. Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp còn thấp; sản xuất nông-lâm-thủy sản hiệu quả thấp hơn so với các ngành kinh tế khác và phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết nên số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít…”.
Mặt khác, một số LVHKM chưa có sản phẩm đặc trưng và gặp khó khăn về phát triển các mô hình kinh tế vì chủ yếu người dân làm nông nghiệp, kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ; người dân vẫn thụ động trong việc tiếp cận, vận dụng các chính sách hỗ trợ. Một số địa phương chưa chú trọng nghiên cứu để xây dựng và phát triển các mô hình phát triển kinh tế trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Các quy định, điều kiện kèm theo một số chính sách hỗ trợ khá chặt chẽ yêu cầu cao nên rất khó để triển khai.
Trao đổi về những khó khăn trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình vườn sản xuất theo Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Tường Hà Văn Minh cho biết: “Khi triển khai Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh, nhân dân các địa phương xây dựng LVHKM rất phấn khởi và có nhiều hộ đã đăng ký thực hiện chính sách hỗ trợ mô hình vườn sản xuất.
Tuy nhiên qua rà soát, đánh giá theo các quy định, đến nay, 4/4 LVHKM giai đoạn I của huyện không có hộ nào đủ điều kiện thực hiện. Nguyên nhân là do điều kiện triển khai mô hình vườn sản xuất không chỉ yêu cầu về diện tích mà còn yêu cầu phải được quy hoạch, có bản vẽ hoặc sơ đồ quy hoạch vườn, nằm ở vị trí có đường giao thông thuận lợi.
Thực tế triển khai rất khó bởi rất ít hộ dân có diện tích vườn 500 - 1.000 m2 gần đường lớn. Bên cạnh đó, quy định cũng yêu cầu hộ được nhận hỗ trợ phải trồng toàn bộ bằng cây trồng mới, bỏ toàn bộ cây trồng cũ nên nhiều người dân ngại làm…”.
Tạo đột phá trong phát triển kinh tế
Xây dựng LVHKM là sự sáng tạo, mạnh dạn đổi mới của tỉnh. Bên cạnh những kết quả bước đầu thì việc xây dựng, triển khai mô hình LVHKM cũng còn những khó khăn, thách thức. Dù vậy, với tinh thần vừa làm, vừa lắng nghe, vừa đúc rút kinh nghiệm, lãnh đạo tỉnh đã luôn sát sao, nắm bắt tình hình thực tế triển khai, kịp thời đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Đặc biệt, hội thảo "Xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc - Lý luận và thực tiễn" được tỉnh tổ chức vào cuối tháng 10/2023 với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã cung cấp những luận cứ về mặt lý luận, khoa học và thực tiễn, tham gia, góp ý cho tỉnh những ý kiến quan trọng để quá trình xây dựng LVHKM nói chung, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế ở các LVHKM nói riêng đạt được mục tiêu đề ra, đảm bảo tính hiệu quả, thực chất.
Gian hàng trưng bày sản phẩm của Công ty Cổ phần chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) tại Lễ khánh thành Khu thiết chế văn hoá - thể thao Làng văn hoá kiểu mẫu thôn Hệ, xã Vĩnh Thịnh
Gợi mở một số giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, nâng cao thu nhập cho nhân dân các LVHKM và tạo điểm nhấn thu hút du khách tới Vĩnh Phúc, tại hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Hải Thanh, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: “Xây dựng LVHKM trước tiên người dân có chất lượng sống tốt và điểm đến tham quan du lịch hấp dẫn, người dân cần có một cuộc sống phong phú và năng động, giàu truyền thống văn hóa. Từ đó, du khách có thể thưởng thức lối sống năng động và truyền thống của họ. Các điểm du lịch là nơi có các hoạt động khác nhau để gia tăng các hoạt động trải nghiệm bằng cách sử dụng di sản văn hóa và các nguồn lực địa phương”.
Để nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại các LVHKM trong thời gian tới, theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Quế Lâm Khắc Ngọc Bá: Ban đầu triển khai mô hình sẽ gặp một số khó khăn bởi người dân còn lệ thuộc vào tập quán canh tác cũ, chưa thực sự hiểu về ý nghĩa, lợi ích mà mô hình đem lại. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và quyết tâm làm; cùng với đó là sự vào cuộc của các cấp, ngành trong việc hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cũng như trong công tác quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm”.
Trên cơ sở thực tiễn triển khai và tham vấn, tiếp thu những ý kiến, kinh nghiệm, đề xuất từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, để tạo bước đột phá mới trong phát triển kinh tế tại các LVHKM, Vĩnh Phúc tiếp tục hỗ trợ người dân sắp xếp, chuyển đổi, xây dựng mới các mô hình sản xuất, kinh doanh dựa trên tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương; đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, du lịch; giữa sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ. Đồng thời, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách…
Hàng loạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ đã và đang được triển khai, cùng với đó là sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp giúp người dân ở các LVHKM của tỉnh có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Tuy nhiên, để những chính sách hỗ trợ thực sự phát huy hiệu quả, điều quan trọng nhất là người dân cần tích cực, chủ động hơn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ, mạnh dạn thay đổi tư duy, cách làm kinh tế, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm trong xây dựng LVHKM.
Dự kiến cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn huy động xã hội hóa thực hiện Đề án xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030 là 2.610 tỷ đồng, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế như: Kinh doanh thương mại, dịch vụ ăn uống với kinh phí 54 tỷ đồng; xây dựng mới, nâng cấp điểm giới thiệu sản phẩm với kinh phí 18 tỷ đồng; mô hình du lịch cộng đồng với kinh phí 36 tỷ đồng; mô hình du lịch homestay và farmstay với kinh phí 54 tỷ đồng; xây dựng vườn sản xuất với kinh phí 45 tỷ đồng…
Lê Mơ - Hoàng Sơn