Kỳ II: Mở đường phát triển các mô hình kinh tế mới
Vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ của tỉnh, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhiều mô hình phát triển kinh tế cho năng suất, hiệu quả cao đã và đang được hình thành tại các Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM). Các mô hình kinh tế mới cùng những thay đổi trong tư duy sản xuất của người dân không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn góp phần gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị văn hóa truyền thống ở mỗi địa phương, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi làng quê.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh
Về xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường những ngày này, không khí phấn khởi, rạng rỡ thể hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người dân nơi đây, đặc biệt sau khi Khu thiết chế văn hóa-thể thao LVHKM đầu tiên của huyện tại thôn Bàn Mạch được khánh thành. Thực hiện Đề án xây dựng LVHKM, bên cạnh việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, Đảng ủy, UBND xã Lý Nhân xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, để người dân được thụ hưởng thành quả từ sự phát triển của tỉnh.
Xây dựng LVHKM tạo điều kiện để thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch, dịch vụ, quảng bá sản phẩm của địa phương. Ảnh: Trà Hương
Với lợi thế có 3 làng nghề truyền thống: Làng rèn thôn Bàn Mạch, 2 làng mộc thôn Vân Giang và Văn Hà, cùng với các công trình văn hóa có giá trị lịch sử lâu đời như chùa Long Khánh, nhà thờ tổ làng rèn… UBND xã Lý Nhân đã xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng.
Chủ tịch UBND xã Lý Nhân Nguyễn Xuân Toàn cho biết: “Toàn xã hiện có 900 hộ làm nghề rèn, 300 hộ làm nghề mộc truyền thống, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương. Việc được lựa chọn thí điểm xây dựng LVHKM vừa là vinh dự, trách nhiệm, song cũng mở ra cơ hội để xã gắn kết giá trị văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống với phát triển du lịch, tạo cơ hội quảng bá hình ảnh, con người và sản phẩm đặc trưng của Lý Nhân.
Bên cạnh xây dựng Khu thiết chế văn hóa-thể thao, vừa qua, xã đã khởi công xây dựng nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề tại thôn Bàn Mạch, dự kiến trong năm 2023 sẽ đi vào hoạt động. Nhà trưng bày sản phẩm làng nghề có vị trí gần nhà thờ tổ làng rèn, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến tham quan, đây sẽ là nơi quảng bá sản phẩm địa phương, giúp người dân mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thêm thu nhập.
Mặc dù vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các hạng mục xây dựng LVHKM, song từ đầu năm đến nay, xã đã đón hàng trăm lượt du khách đến tham quan, tìm hiểu về làng nghề truyền thống, trong đó có nhiều du khách nước ngoài”.
Không có làng nghề truyền thống như thôn Bàn Mạch, song thôn Lục Liễu, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo lại có tới gần 90% dân số là đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống với đa dạng những nét văn hóa, ẩm thực độc đáo, cùng lợi thế về điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển du lịch.
Ông Lý Ngọc Một, Chủ tịch UBND xã Đạo Trù cho biết: “Chủ trương xây dựng LVHKM của tỉnh như “cú huých” giúp xã phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Thôn Lục Liễu - nơi được tỉnh lựa chọn xây dựng LVHKM có vị trí cửa ngõ của xã, được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh đẹp từ hệ thống sông hồ, suối nguồn chảy trong rừng tự nhiên, lại gần với một số dự án du lịch của huyện đã được quy hoạch như Khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Vĩnh Thành, hồ Đồng mỏ; khu du lịch Tam Đảo 2…
Cùng với đó là những nét văn hóa, phong tục, tập quán đặc trưng của đồng bào dân tộc Sán Dìu như hát Soọng cô, các lễ hội (lễ thượng điền, hạ điền, lễ hội cơm mới), trò chơi dân gian và nhiều đặc sản nổi tiếng như bánh chưng gù, bánh gio chấm mật, bánh chứng kiến, xôi đen, mật ong…
Sau khi hoàn thành Khu thiết chế văn hóa - thể thao, xã đã lên kế hoạch xây dựng mô hình hợp tác xã (HTX) dịch vụ chuyên sản xuất nông sản, kinh doanh đồ lưu niệm, xây dựng sản phẩm OCOP và khoảng 10 homestay để du khách có cơ hội trải nghiệm, thưởng thức nét văn hóa, ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Đây là những tiền đề để xã quảng bá hình ảnh du lịch, những sản phẩm đặc trưng của địa phương, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập”.
Linh hoạt trong thu hút đầu tư, từng bước hình thành chuỗi giá trị sản xuất
Cánh đồng rộng gần 100 ha tại thôn Hoàng Chung, xã Đồng Ích (Lập Thạch) đã từng bị người dân bỏ hoang vào vụ mùa do địa thế nằm tại vùng trũng, canh tác không mấy hiệu quả. Thực hiện Đề án xây dựng LVHKM tại thôn Hoàng Chung, UBND xã Đồng Ích đã phối hợp với HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đông Phong (tỉnh Bắc Ninh) triển khai mô hình trồng lúa nếp nhung ngay tại vùng ruộng trũng này.
Xây dựng LVHKM tạo điều kiện để người dân thôn Đồng Dong, xã Quang Yên, huyện Sông Lô xây dựng các mô hình phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Cao Lan. Ảnh: Trà Hương
Trước đó, UBND xã Đồng Ích đã phối hợp với HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đông Phong tiến hành khảo nghiệm chất đất và nguồn nước, kết quả cho thấy, điều kiện tự nhiên của địa phương phù hợp trồng lúa nếp nhung do cây lúa có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt ở vùng ruộng trũng, ít bị gãy đổ, cho năng suất, chất lượng cao.
Vụ mùa vừa qua, sản lượng lúa nếp nhung tại thôn Hoàng Chung đạt 40 tạ/ha, được HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đông Phong thu mua tại ruộng với giá 9.000 đồng/kg, giúp nông dân thu về khoảng 37 triệu đồng/ha. Dự kiến năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 60 triệu đồng (tăng 4 triệu đồng so với năm 2022).
Bí thư Đảng ủy xã Đồng Ích Nguyễn Chí Thanh cho biết: “Việc thu hút đầu tư, phối hợp với doanh nghiệp để xây dựng mô hình phát triển kinh tế tại các LVHKM có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần đưa sản phẩm của địa phương sản xuất theo hướng hàng hóa, từng bước hình thành chuỗi giá trị sản xuất, cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Hiện nay, xã đang phối hợp với 3 đơn vị xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gắn với sản phẩm đặc trưng tại LVHKM gồm HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đông Phong với mô hình sản xuất lúa nếp nhung; Công ty TNHH khoa học công nghệ Vĩnh Hòa (tỉnh Nghệ An) với mô hình sản xuất lúa thảo dược; Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc, thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên với mô hình nuôi lợn hữu cơ. Tất cả các mô hình phát triển kinh tế đều được hỗ trợ về giống, thức ăn chăn nuôi, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, sản xuất và bao tiêu đầu ra sản phẩm.
Thực hiện Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh về cơ chế đặc thù hỗ trợ xây dựng LVHKM, xã đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho 20 hộ dân tiếp cận vốn vay ưu đãi với tổng số tiền 3,5 tỷ đồng để đầu tư sản xuất”.
Với sự vào cuộc, hỗ trợ tích cực từ các cấp, ngành, sự đồng hành của các doanh nghiệp, các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương xây dựng LVHKM đã từng bước được hình thành, tạo ra những sản phẩm đặc trưng, hiệu quả.
Người dân tại các địa phương xây dựng LVHKM đã bước đầu thay đổi tư duy, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chủ động hơn trong việc tìm kiếm các cơ hội để phát triển kinh tế và tranh thủ các chính sách hỗ trợ của tỉnh để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Thực hiện Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh về cơ chế hỗ trợ đặc thù trong xây dựng LVHKM, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân 100 tỷ đồng cho hơn 500 hộ vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế. Người dân tại 30 LVHKM đã đăng ký thực hiện 93 mô hình kinh doanh dịch vụ, thương mại, 14 mô hình homestay, farmstay và 1 điểm du lịch cộng đồng, 22 mô hình vườn sản xuất…
Lê Mơ - Hoàng Sơn