UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 296, ngày 28/11về triển khai thực hiện Đề án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, với mục tiêu chung là thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, mục tiêu tỉnh đặt ra là đảm bảo 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm thực hiện kiểm toán năng lượng và áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định; đạt 70% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong khu công nghiệp được tiếp cận, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Đồng thời, giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân cho các ngành/phân ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh (nếu có) so với giai đoạn 2015 - 2018, cụ thể: Đối với công nghiệp thép, giảm từ 3 - 10%; công nghiệp hóa chất tối thiểu giảm 7%; công nghiệp sản xuất nhựa giảm từ 18 - 22,46%; công nghiệp dệt may giảm tối thiểu 5%; công nghiệp rượu, bia và nước giải khát giảm từ 3 - 6,88%; công nghiệp giấy, giảm từ 8 - 10,8%.
Mục tiêu xa hơn đến năm 2030, đạt mức tiết kiệm năng lượng bình quân từ 8-10% so với sản lượng điện thương phẩm tại các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh; 90% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong khu công nghiệp và 70% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong cụm công nghiệp được tiếp cận, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào năm 2030.
Để đạt các mục tiêu trên, tỉnh đề ra 6 nhóm giải pháp thực hiện cụ thể: Hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp nhằm thúc đẩy tiết kiệm năng lượng; Nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước về tiết kiệm năng lượng; Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông tiết kiệm năng lượng; Hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ, cung cấp sản phẩm, giải pháp liên quan đến tiết kiệm năng lượng; Tăng cường ứng dụng năng lượng tái tạo; Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới tiết kiệm năng lượng. Kinh phí thực hiện hỗ trợ được trích từ ngân sách tỉnh và từ nguồn xã hội hóa.
Mai Thơ