Trên cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư đã được xây dựng, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã ứng dụng, kết nối, chia sẻ dữ liệu để tạo chuyển biến thực chất trong chuyển đổi số. Từ đó, đảm bảo tính chính xác trong thông tin, giảm phiền hà cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC).
Công an tỉnh đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi cho công dân khi thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh: Trà Hương
Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, các sở, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai xây dựng CSDLQG về dân cư.
Công an tỉnh tập trung tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân cài đặt, đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử đã được cấp; tổ chức các điểm thu nhận hồ sơ cấp CCCD, định danh điện tử lưu động tại các xã, phường, thị trấn, đảm bảo 100% công dân trong độ tuổi đủ điều kiện, tiêu chuẩn được cấp CCCD gắn chíp; thực hiện nghiêm túc công tác đăng ký quản lý cư trú trên hệ thống CSDLQG về dân cư… Đến hết tháng 10/2023, toàn tỉnh đã kích hoạt được 70.322 tài khoản định danh điện tử mức 1 và 40.552 tài khoản định danh điện tử mức 2.
Trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến dễ dàng, chính xác và nhanh chóng hơn. Ảnh: Trà Hương
Các sở, ngành liên quan tập trung chỉ đạo xây dựng dữ liệu chuyên ngành và số hóa dữ liệu theo hướng dẫn của ngành dọc để phục vụ kết nối với CSDLQG về dân cư như dữ liệu hộ tịch, dữ liệu đất đai, dữ liệu về an sinh xã hội… Công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống và bảo mật thông tin để phục vụ kết nối chia sẻ với CSDLQG về dân cư được chú trọng, thực hiện nghiêm túc.
Để khai thác, vận hành hiệu quả hệ thống CSDLQG về dân cư đã được xây dựng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và bộ phận một cửa các cấp đẩy mạnh triển khai dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn trình, nhất là đối với 25 DVC trực tuyến thiết yếu liên quan đến người dân được ban hành kèo theo Đề án 06. Các cở, ban, ngành, các cấp chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và công dân thực hiện DVC trực tuyến thay cho phương thức truyền thống.
Hiện toàn tỉnh có 1.865 TTHC trực tuyến và 248 DVC không cung cấp trực tuyến; đã đồng bộ 1.294 DVC trực tuyến tích hợp trên Cổng DVC quốc gia. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã thực hiện kết nối và chia sẻ dữ liệu với hệ thống CSDLQG về dân cư phục vụ công tác giải quyết thủ tục cho công dân thuận lợi, chính xác.
Trong tháng 10/2023, đã có hơn 15.000 lượt khai thác thông tin công dân từ CSDLQG về dân cư phục vụ giải quyết các TTHC và các nhiệm vụ công tác chuyên môn. Đối với 25 DVC thiết yếu, trong tháng 10/2023, toàn tỉnh đã tiếp nhận mới 25.733 hồ sơ trực tuyến, đạt 77%.
Việc khai thác, vận hành hiệu quả hệ thống CSDLQG về dân cư đã góp phần đẩy mạnh cải cách TTHC, giảm chi phí, thời gian thực hiện TTHC cho người dân, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.
Thời gian tới, các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác cấp thẻ CCCD gắn chíp và định danh điện tử tạo tiền đề cho các ngành triển khai các dịch vụ trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu về dân cư để khai thác, ứng dụng những tính năng của chíp điện tử trên thẻ CCCD, đồng thời gắn với cấp tài khoản, hướng dẫn công dân kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử.
Thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường điện tử tại các cấp chính quyền; đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, kết nối, liên thông các nền tảng số, CSDLQG, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành đồng bộ theo hướng dẫn của các bộ, ban, ngành, đảm bảo thực chất, hiệu quả.
Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến, không để tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn; tăng cường bố trí cán bộ hướng dẫn và trang bị các thiết bị để hỗ trợ công dân thực hiện nộp hồ sơ DVC liên thông khi đến làm việc tại bộ phận một cửa các cấp…
Thùy Linh