Kết thúc giai đoạn 1 xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM) theo Nghị quyết số 19 của tỉnh, thành phố Phúc Yên đã khánh thành các Khu thiết chế văn hóa-thể thao LVHKM Cao Quang, xã Cao Minh; LVHKM Lập Đinh, xã Ngọc Thanh và LVHKM Kim Xuyên, phường Tiền Châu. Bước đầu các khu thiết chế này đã phát huy công năng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Làng văn hóa kiểu mẫu hiện hữu đã làm đổi thay bộ mặt các vùng quê
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Phúc Yên Đào Anh Dũng cho biết: “Chủ trương xây dựng LVHKM đã nhận được sự hưởng ứng và đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân ngay từ khi triển khai và tổ chức thực hiện ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương. Vì vậy, đến nay, các Khu thiết chế văn hóa-thể thao ở 3 LVHKM đã khánh thành và các tiêu chí cũng cơ bản đạt.
Tuy nhiên, thành phố xác định đây mới chỉ là điểm khởi đầu trong tiến trình xây dựng các thôn, tổ dân phố trở thành LVHKM, vì vậy, mỗi người dân cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm các cơ hội để phát triển kinh tế; tranh thủ các chính sách hỗ trợ của tỉnh để nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình; đồng thời chung tay đóng góp xây dựng cộng đồng dân cư… để mỗi LVHKM thực sự là nơi đáng sống”.
LVHKM Lập Đinh, xã Ngọc Thanh là điểm cuối trong 3 làng văn hóa được chọn làm điểm đã kết thúc giai đoạn 1 trên địa bàn thành phố. Trước đây, thôn có 1 nhà văn hóa đã xuống cấp, chật hẹp, không đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, nhưng từ khi được triển khai xây dựng LVHKM, chỉ sau 4 tháng khởi công, đến nay, Khu thiết chế văn hóa-thể thao của thôn đã hoàn thành với tổng diện tích 3.100 m2, trong đó có các hạng mục như nhà văn hóa với thiết bị, nội thất, âm thanh, ánh sáng đồng bộ; hệ thống dụng cụ thể dục-thể thao ngoài trời được lắp đặt; khu công viên, vườn hoa, cây xanh; sân cầu lông; sân bóng chuyền được làm mới đã đáp ứng nhu cầu văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao của nhân dân và tổ chức các sự kiện lớn của địa phương.
Người dân Làng văn hóa kiểu mẫu Kim Xuyên, phường Tiền Châu luôn ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp
Thôn Lập Đinh có 399 hộ với 1.856 nhân khẩu, trong đó số hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 255 hộ với 1.020 nhân khẩu. Khi các thiết chế được đưa vào sử dụng, nhân dân trong thôn rất phấn khởi, cùng chung sức, đồng lòng xây dựng, giữ gìn.
Anh Ngô Văn Nghênh - người dân thôn Lập Đinh chia sẻ: “Lần đầu tiên chúng tôi được thụ hưởng đầy đủ các thiết chế văn hóa, thể thao trong niềm phấn khởi; các thiết chế được hiện hữu trong một không gian rộng, thoáng, khang trang và tiện ích. Các CLB văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao như CLB hát Soọng cô, dân vũ - thể thao, văn hóa-văn nghệ của thôn đã có điểm sinh hoạt đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Cũng từ các thiết chế này, chúng tôi có thêm động lực để xây dựng các mô hình kinh tế, du lịch homestay, thi đua lao động, sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa ngày càng văn minh".
Không chỉ LVHKM ở thôn Lập Đinh, mà ở các thôn Cao Quang, xã Cao Minh, tổ dân phố Kim Xuyên, phường Tiền Châu đã phát huy hiệu quả từ các Khu thiết chế văn hóa-thể thao. Hầu hết các thôn, tổ dân phố đã triển khai thực hiện tốt quy ước của địa phương, nội quy hoạt động của nhà văn hóa; người dân đã tự giác duy trì công tác vệ sinh môi trường, đường làng ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp, văn minh; các không gian văn hóa, thể thao đã thu hút người dân thường xuyên tới luyện tập, giao lưu sôi nổi, khơi dậy tinh thần đoàn kết, phát triển sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Nhiều hộ dân ở các LVHKM trên địa bàn thành phố Phúc Yên đã phát triển, mở rộng kinh doanh khi được vay vốn ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội
Chị Nguyễn Thị Trâm - người dân tổ dân phố Kim Xuyên, phường Tiền Châu cho biết: “Mỗi người dân chúng tôi luôn ý thức giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường, trồng hoa, cây xanh trên các tuyến trục đường của thôn để xứng đáng là làng văn hóa kiểu mẫu mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp”.
Hình thành các Khu thiết chế văn hóa - thể thao, sinh hoạt cộng đồng của làng góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; cải thiện môi trường cảnh quan - xanh - sạch - đẹp. Đồng thời, bảo tồn, phát huy, làm sống dậy các giá trị văn hóa truyền thống. Từ đó, phát triển du lịch, quảng bá các sản phẩm truyền thống địa phương, cải thiện thu nhập của người dân.
Thành phố Phúc Yên cũng yêu cầu các địa phương được chọn xây dựng LVHKM có quy chế vận hành hiệu quả và có biện pháp giám sát, quản lý khai thác, sử dụng đúng mục đích; tiếp tục hoàn thành các chính sách khác như hỗ trợ cửa hàng tiện lợi, mô hình du lịch homestay, hỗ trợ di chuyển mộ riêng lẻ, hỗ trợ tự nguyện dừng hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư, hỗ trợ duy trì thường xuyên hạ tầng, cảnh quan và môi trường…
Bài, ảnh: Thu Thủy