Kỳ 1: Giữ hồn làng trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu
Sau hơn 9 tháng triển khai, diện mạo 30 Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM) đầu tiên trên địa bàn tỉnh đang đổi thay từng ngày. Trong khung cảnh làng quê đổi mới ấy, những yếu tố văn hóa truyền thống, đặc trưng của mỗi địa phương vẫn hiện diện một cách đáng tự hào, trở thành điểm tựa tinh thần, linh hồn trong quá trình kiến tạo một làng quê đáng sống, nơi người dân có cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc hơn và thực sự được thụ hưởng những thành quả từ sự phát triển của tỉnh.
Lớp truyền dạy học hát, múa làn điệu Sình ca góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Cao Lan, thôn Đồng Dong, xã Quang Yên, huyện Sông Lô Ảnh: Trà Hương
Không gian văn hóa làng
Cùng chúng tôi thả bước trên con đường bê tông sáng, xanh, sạch, đẹp ngay sát khuôn viên Khu thiết chế văn hóa - thể thao của LVHKM Thụ ích, xã Liên Châu (Yên Lạc), ông Phùng Mạnh Khuyến, Chủ tịch UBND xã Liên Châu rất phấn khởi tự hào bởi đây là khu thiết chế văn hóa thể thao LVHKM đầu tiên của tỉnh được khánh thành và đưa vào sử dụng.
Hơn 9 tháng triển khai với hàng loạt các công trình từ thiết chế văn hóa, điện, đường, nhà ở… được đầu tư xây dựng, Chương trình LVHKM đã mang đến cho ngôi làng nhỏ thuần nông này một luồng sinh khí mới với diện mạo mới mẻ, khởi sắc, thấp thoáng dáng vóc của một đô thị hiện đại.
Ông Khuyến cho hay: Khác với 29 LVHKM còn lại của tỉnh, Thụ Ích là làng duy nhất được xây dựng trên không gian làng truyền thống. Dù rằng đã được chia tách thành 4 thôn, với những tên gọi đã được số hóa, nhưng đến nay, tên gọi làng Thụ Ích vẫn hiện diện một cách thân thương. Những “công to việc lớn” của làng và đặc biệt là trong xây dựng LVHKM, người dân 4 thôn vẫn cùng chung tay, góp sức dưới sự dẫn dắt của Trưởng làng cùng Ban đại diện làng.
Là làng cổ với hàng nghìn năm tồn tại và phát triển, người dân thôn Thụ Ích luôn ý thức trong mình việc giữ gìn văn hóa làng đặc trưng. Trước những đổi thay về kết cấu hạ tầng, những thiết chế tâm linh như đình, chùa vẫn luôn được người dân nơi đây chăm lo, tôn tạo.
Nhìn những công trình kiến trúc cổ kính, thâm nghiêm nằm yên bình bên bờ sông Hồng, ông Nguyễn Văn Hồng, Trưởng làng Thụ Ích không khỏi tự hào: Đình - chùa Thụ Ích được công nhận là di tích cấp tỉnh năm 1998. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, đến nay đình - chùa Thụ Ích vẫn là thiết chế tâm linh không thể thiếu đối với làng. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh tín ngưỡng, đây còn là nơi cộng đồng thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, gắn kết tình làng nghĩa xóm qua bao thế hệ.
Xuyên suốt hàng trăm năm lịch sử, làng Thụ Ích đã sản sinh ra nhiều danh nhân, khoa bảng như thám hoa, tiến sĩ được ghi vào bia tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc tử Giám Hà Nội, bia Quốc học Huế trở thành niềm kiêu hãnh tự hào và động lực to lớn của cán bộ, nhân dân làng Thụ Ích.
Với sự hỗ trợ thiết thực của tỉnh trong xây dựng LVHKM, các hoạt động khuyến học khuyến tài trong làng được triển khai một cách sôi nổi, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phong trào học tập phát triển để truyền thống hiếu học của làng Thụ Ích mãi được tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc
Làng LVHKM Lục Liễu, xã Đạo Trù (Tam Đảo) mang nhiều nét đặc trưng của khu vực miền núi phía Bắc. Với 50% dân số là đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống, đến nay bà con thôn Lục Liễu vẫn gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Vượt qua dòng chảy của thời gian cùng những xô bồ của nhịp sống hiện đại, tiếng hát Sọong cô với người dân thôn Lục Liễu vẫn là thứ men say trong ý thức mỗi người dân qua các thế hệ. Không chỉ được cất lên trong những giờ lao động mệt nhọc, trên đồng ruộng, hay trong những buổi giao lưu làng, xã thông qua hoạt động của CLB hát Sọong cô của thôn.
Tiếng hát Sọong cô đã được lan tỏa rộng rãi với nhiều buổi tập luyện, sinh hoạt, giao lưu tổ chức thường xuyên trên địa bàn. Đồng thời, được giới thiệu tới đông đảo bạn bè, du khách trong và ngoài tỉnh thông qua các buổi biểu diễn tại nhiều điểm du lịch, trở thành niềm tự hào nhất trong vốn văn hóa dân gian của bà con dân tộc Sán Dìu nơi đây.
Mới đây, khu thiết chế văn hóa - thể thao LVHKM Lục Liễu với quy mô hơn 1ha đã được khánh thành và đưa vào sử dụng. Từ đây, tiếng hát Sọong cô cùng các loại hình văn nghệ khác sẽ được diễn xướng thường xuyên, phục vụ nhu cầu thưởng thức, tìm hiểu văn hóa bản địa. Bên cạnh đó, những sản vật đặc trưng như bánh gio chấm mật, bánh trưng gù, bánh trứng kiến… của đồng bào dân tộc Sán Dìu cũng có dịp được phục vụ du khách đến tham quan, thưởng thức và mua sắm.
Ông Lưu Xuân Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Đạo Trù chia sẻ: “Thôn Lục Liễu có lợi thế nằm cửa ngõ của xã, giáp với Trung tâm văn hóa lễ hội Tây Thiên. Trên cơ sở bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Sán Dìu, việc xây dựng mô hình LVHKM sẽ mở ra kỳ vọng mới cho Đạo Trù nói chung và thôn Lục Liễu nói riêng trong trong phát triển du lịch cộng đồng”.
Để văn hóa làng “cất cánh”
Tại Đề án về xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030, UBND tỉnh đã xác định mục tiêu xây dựng các LVHKM trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững. Ở đó, cấu trúc không gian, kiến trúc cảnh quan được bảo tồn và chỉnh trang kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; kết cấu kinh tế xã hội đồng bộ; môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn, văn minh, giàu bản sắc truyền thống; đời sống văn hóa tinh thần của người dân lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.
Với tinh thần đó, sau hơn 9 tháng triển khai, đến nay, tất cả các LVHKM đã cơ bản đầu tư xong thiết chế văn hóa - thể thao cộng đồng. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, khuyến học - khuyến tài, thi đua sản xuất lao động diễn ra sôi nổi, thường xuyên. Các địa phương cũng đang tiến hành phục dựng kịch bản các lễ hội truyền thống đảm bảo lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp lan tỏa giáo dục thế hệ trẻ; lập phương án tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, công trình kiến trúc có giá trị…
Phát biểu tại Hội thảo “Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc - Lý luận và thực tiễn”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: “Quá trình xây dựng các LVHKM đã tích cực khơi dậy các giá trị văn hoá nhân văn, nhân cách, nhân tính tốt đẹp của đất và người Vĩnh Phúc, phát huy “tình làng, nghĩa xóm” tinh thần sẻ chia và khát vọng xây dựng, phát triển quê hương, đất nước”.
Đời sống hiện đại đã và đang làm thay đổi nhiều thói quen sinh hoạt. Chính bởi vậy, sự hiện diện của các yếu tố văn hóa truyền thống là điểm tựa tinh thần, là linh hồn của mỗi làng quê trong tiến trình thay đổi, là điều làm nên nét đặc trưng riêng có của các LVHKM, giúp tránh được tình trạng “khoác đồng phục” cho các vùng miền, địa phương.
Mai Liên - Nguyễn Hường