Phát triển thương mại điện tử (TMĐT) là xu hướng tất yếu trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng xã hội số, kinh tế số, trong đó, nền tảng về hạ tầng là một trong những yếu tố quyết định đến thành công của hoạt động TMĐT. Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm từng bước hoàn thiện nền tảng hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển của TMĐT trên địa bàn.
Vietel Vĩnh Phúc là doanh nghiệp viễn thông tiên phong phát triển mạng 5G trên địa bàn tỉnh.
Đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển TMĐT là nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tích cực triển khai trong thời gian qua.
Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp khuyến khích phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, hệ thống ngân hàng trực tuyến, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt… Nhờ đó, hạ tầng công nghệ thông tin, các dịch vụ bưu chính viễn thông phát triển nhanh và chất lượng ngày càng tốt.
Đến nay, toàn tỉnh có 5 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và dịch vụ Internet, truyền hình trả tiền. Các doanh nghiệp này đã chú trọng đầu tư vào chất lượng dịch vụ, phát triển mạnh các dịch vụ giá trị gia tăng hướng tới khách hàng.
Hạ tầng truyền dẫn trên địa bàn tỉnh đã được cáp quang hóa 100%, tạo ra ưu thế tuyệt đối về băng thông, tốc độ, và chất lượng. Cáp quang đã được kết nối đến tất cả các xã, phường, thị trấn, thôn, làng, bản trên địa bàn tỉnh với 700 tuyến truyền dẫn cáp quang có tổng chiều dài hơn 4.500 km.
Tỉnh hiện có 3.000 trạm thu phát sóng thông tin di động, phủ sóng di động 3G, 4G toàn tỉnh đạt 100% và đã lắp đặt xong 2 trạm 5G. Số lượng thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt hơn 1,15 triệu thuê bao, chiếm gần 86% số thuê bao di động, cao hơn mức trung bình chung của cả nước (75%).
Số thuê bao internet băng thông rộng là hơn 1,25 triệu thuê bao, đạt tỉ lệ 82% số thuê bao băng rộng trên 100 dân; trong đó gần 1 triệu thuê bao internet băng thông rộng di động, còn lại là số thuê bao băng rộng cố định.
Hạ tầng mạng ngoại vi cơ bản đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về sử dụng dịch vụ của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Hệ thống điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có người phục vụ đã phát triển khá rộng khắp, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về sử dụng các dịch vụ viễn thông của người dân và doanh nghiệp.
Hệ thống một cửa điện tử, hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến… được đưa vào vận hành. Cổng Dịch vụ công tỉnh đã kết nối, liên thông, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin của VNPT Vĩnh Phúc ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Hiện, 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị 3 cấp tỉnh - huyện - xã đã được trang bị máy tính, mạng LAN, kết nối mạng số liệu chuyên dùng của Chính phủ. 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, 95% cán bộ công chức cấp huyện và 80% cán bộ công chức cấp xã được trang bị máy tính để làm việc.
Việc phát triển ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt đạt nhiều kết quả tích cực, đến nay, toàn tỉnh có gần 240 máy ATM; gần 900 máy POS được lắp đặt tại các cơ sở kinh doanh, siêu thị, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở y tế…
Tỷ lệ thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt của tỉnh đạt trên 80%; thanh toán tiền nước đạt hơn 83%; trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức qua hệ thống ngân hàng đạt 100%…
Theo đánh giá của Sở TT&TT, về cơ bản, hệ thống viễn thông và CNTT hiện nay của tỉnh đã có đủ nền tảng để vận hành những ứng dụng đòi hỏi tốc độ, cũng như dung lượng lưu trữ lớn và sự ổn định cao. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển TMĐT.
Tuy nhiên, để từng bước hoàn thiện hạ tầng TMĐT theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển của tương lai, tỉnh cần tiếp tục quan tâm, đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; hạ tầng hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và dịch vụ công; chú trọng phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR, NFC, POS...
Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán để góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mô hình thương mại điện tử doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C), doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B), Chính phủ - người dân (G2C), Chính phủ - doanh nghiệp (G2B); Online - Offline (O2O).
Xây dựng các kho giao vận quy mô lớn, dịch vụ chuyển phát, giao hàng nhanh chóng, thuận tiện, đảm bảo chất lượng hàng hóa cho thương mại điện tử đảm bảo.
Khuyến khích thí điểm và triển khai ứng dụng các phương tiện giao thông mới hỗ trợ việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa trong TMĐT; khuyến khích các giải pháp tổng thể liên kết doanh nghiệp hậu cần từ chặng đầu tới chặng cuối.
Phát triển các giải pháp chia sẻ hạ tầng giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TMĐT và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phân phối bán lẻ, các giải pháp liên kết, chia sẻ thông minh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người tiêu dùng và doanh nghiệp với Chính phủ trên nền tảng di động, thẻ thông minh và dữ liệu lớn…
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh