Xác định đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững là động lực để phát triển các ngành kinh tế, thời gian qua, tỉnh đã tăng cường các hoạt động tư vấn, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ xây dựng thương hiệu hàng hóa xuất khẩu đối với một số mặt hàng chủ lực… Kết quả, hết quý III năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tăng hơn 10% so với cùng kỳ, đóng góp 2,20 điểm % vào tốc độ tăng GRDP (tổng sản phẩm) của tỉnh.
Linh kiện điện tử - mặt hàng xuất khẩu chủ lực
Hiện nay, Vĩnh Phúc có khoảng 50 doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu, trong đó khoảng 400 doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu thường xuyên. Các sản phẩm xuất, nhập khẩu của tỉnh có mặt ở hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu vào một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, các quốc gia ASEAN…
6 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh gặp nhiều thách thức do tình hình kinh tế-chính trị thế giới phức tạp; lạm phát toàn cầu tăng cao, đặc biệt tại các thị trường lớn như Hoa kỳ, EU và Nhật Bản đã làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng, ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp chính của tỉnh.
Sang quý III, dù đã có sự khởi sắc và phục hồi kinh tế trong nước và thế giới, nhưng tốc độ phục hồi được đánh giá còn chậm. Ngành Công nghiệp gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, thị trường xuất khẩu và đơn hàng.
Công ty TNHH Partron Vina là doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất linh kiện điện tử của tỉnh
Trước những thách thức về tình hình kinh tế, các doanh nghiệp không ngừng nỗ lực tìm kiếm, khai thác thị trường xuất khẩu mới, tăng cường các chương trình kết nối giao thương. Về phía tỉnh, luôn quan tâm, cập nhật thông tin về tình hình kinh tế quốc tế và khu vực, đặc biệt là các chính sách tác động đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh. Qua đó, tăng cường lồng ghép, mở rộng thị trường xuất khẩu trong các hoạt động đối ngoại, nhất là các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh trên cơ sở khai thác hiệu quả các quan hệ hữu nghị để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Bố trí nguồn kinh phí cho thực hiện chương trình xúc tiến xuất khẩu phù hợp; chỉ đạo tổ chức tín dụng triển khai thực hiện các chính sách tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu; mở rộng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh phục vụ hoạt động xuất khẩu; thực hiện tốt công tác thanh toán quốc tế, dịch vụ chuyển tiền trong và ngoài nước nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán cho khách hàng xuất, nhập khẩu…
Dệt may cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh
Với nhiều giải pháp từ phía doanh nghiệp và chính quyền địa phương, hết quý III, tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả khả quan với hơn 11,6 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Trong đó, các nhóm hàng chủ lực phải kể đến như dệt may, máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị và phụ tùng, điện thoại…
Trong số các nhóm hàng, sản xuất linh kiện điện tử những năm gần đây có sự phát triển, luôn nằm trong nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Theo đánh giá, việc đẩy mạnh xuất khẩu linh kiện điện tử giúp ngành hàng này trở thành động lực kinh tế chính, đóng góp tới 2,20 điểm % vào tốc độ tăng GRDP của tỉnh.
Hiện nay, toàn tỉnh có 5 công ty sản xuất linh kiện điện tử quy mô lớn, phục vụ cho Tập đoàn Samsung. Trong đó, có Công ty TNHH Partron Vina, Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc. Kể từ khi đi vào hoạt động (năm 2008) đến nay, doanh nghiệp không ngừng phát triển, liên tục mở rộng quy mô, tăng nguồn vốn đầu tư, thu hút và tạo việc làm từ 4.000-5.000 lao động trong và ngoài tỉnh.
Đẩy mạnh giá trị tăng trưởng cao và bền vững
Giá trị tăng trưởng 9 tháng của ngành sản xuất linh kiện điện tử ước tăng 10,70% so với cùng kỳ. Tuy thấp hơn mức tăng những năm trước, nhưng cơ cấu chiếm hơn 48% giá trị tăng trưởng ngành công nghiệp toàn tỉnh. Với tốc độ GRDP theo giá hiện hành tăng 3,1%, Vĩnh Phúc là tỉnh duy nhất trong nhóm tỉnh, thành tăng trưởng âm phục hồi tăng trưởng.
Để đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, làm động lực để phát triển các ngành kinh tế, gắn với hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có lợi thế, mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa Vĩnh Phúc đến năm 2030.
Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2030 phấn đấu đạt khoảng 17- 18%/năm. Trong đó, tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu đạt 24%/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt khoảng 13,8 tỷ USD; tăng tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Âu lên 12%/tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 15% vào năm 2030.
Giai đoạn 2021 - 2025, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh phấn đấu đạt 24%/năm
Đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có trên 50 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực linh kiện phụ tùng có đủ điều kiện phát triển trở thành nhà cung cấp cấp 1, cấp 2 cho các hãng sản xuất sản phẩm ô tô, xe máy, điện, điện tử hoàn chỉnh và cung ứng một phần cho các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn hoặc xuất khẩu.
Phấn đấu có 10 doanh nghiệp trong nước sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có thể tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn kinh tế lớn, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế và tham gia được vào thị trường xuất khẩu; tăng tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa, máy móc thiết bị công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng.
Để đạt được các mục tiêu trên, thời gian tới, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về công tác thông tin, tuyên truyền; hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu đối với các ngành hàng nông-lâm-thủy sản và công nghiệp.
Quan tâm phát triển thị trường xuất, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn; hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất, nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng.
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu; quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước và hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý; nâng cao vai trò của các hội, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn…
Với việc thực hiện hiệu quả kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa Vĩnh Phúc đến năm 2030, tỉnh phấn đấu đạt tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo hơn 30% GDP; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp, công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt hơn 45%.
Bài, ảnh: Hà Trần