Với tổng điểm 77,95 điểm, tỉnh Vĩnh Phúc được Thanh tra Chính phủ đánh giá là tỉnh đứng đầu cả nước về công tác phòng, chống tham nhũng. Điều đó thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhất là những nỗ lực hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh. Qua đó, tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ, đảng viên, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh nghiên cứu tài liệu về công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Trường Khanh
Nhận thức sâu sắc quyết tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC), Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền về PCTN, TC.
Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh đã chủ động tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về công tác này.
Trong đó, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức Đảng, người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo trong lĩnh vực PCTN, TC.
Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, TC được các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị quan tâm, thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, tổ chức 65 lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN cho gần 12 nghìn lượt cán bộ, CCVC, nhân dân trên địa bàn.
Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và cán bộ, CCVC trên địa bàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCTN, TC. Việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định liên quan đến PCTN, lãng phí được tăng cường.
Năm 2022, toàn tỉnh đã có 32/32 sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định. Các lĩnh vực được thực hiện công khai gồm thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, CCVC, người lao động; việc bố trí, sử dụng tài chính công, tài sản công; công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy tắc ứng xử của người có chức, có quyền...
Từ việc thực hiện công khai, minh bạch trong các hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng biết và giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTN, TC.
Kết quả đánh giá, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh đạt 87,45 điểm, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước đạt 80,23%; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thực hiện có hiệu quả công tác phòng, ngừa tham nhũng, các sở, ngành, UBND cấp huyện đều có Cổng thông tin giao tiếp điện tử và 100% cán bộ, CCVC được cấp hòm thư điện tử công vụ riêng.
Các cơ quan, đơn vị thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 86 trường hợp cán bộ, CCVC. Việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, CCVC góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTN, TC trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn.
Việc thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, CCVC trong diện phải kê khai được tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Toàn tỉnh có 71/71 đơn vị thực hiện kê khai tài sản, thu nhập và được niêm yết, công khai, minh bạch tại cuộc họp. Bên cạnh đó, công tác phòng ngừa tham nhũng trong các doanh nghiệp, khu vực ngoài nhà nước được quan tâm.
Việc phát hiện và xử lý tham nhũng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, có chuyển biến tích cực cả về mặt nhận thức và hành động. Công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội được dư luận quan tâm...
Để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, TC và góp phần củng cố niềm tin của nhân dân trong công tác này, cùng với tiếp tục quán triệt, tuyên truyền Luật PCTN năm 2018 tới cán bộ, CCVC, nhân dân; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đôn đốc, triển khai các quy định pháp luật về PCTN, cần chú trọng bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn, nghiệm vụ.
Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức xã hội trong việc giám sát, tham gia hòa giải trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước, nếu phát hiện dấu hiệu tham nhũng cần kiên quyết xử lý. Tăng cường minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, nâng cao ý thức trách nhiệm PCTN của cán bộ và nhân dân để thực hiện tốt công tác PCTN trên địa bàn.
Thanh Tuyền