Tận dụng lợi thế gần trung tâm huyện, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền và người dân xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc đã đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, xây dựng quê hương giàu mạnh và phát triển.
Xưởng sản xuất đũa gỗ của gia đình anh Trần Đình Hoạt, thôn Lỗ Quynh, xã Trung Nguyên tạo việc làm thường xuyên cho 20 - 30 lao động, với mức thu nhập từ 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng
Chủ tịch UBND xã Trung Nguyên Hoàng Thành Nam cho biết: "Là xã thuần nông nằm ở phía Bắc huyện Yên Lạc, toàn xã có tổng diện tích đất tự nhiên 719 ha, trong đó hơn 467 ha đất sản xuất nông nghiệp với dân số hơn 12.000 người.
Với mục tiêu phát triển CN-TTCN thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, nâng cao giá trị thu nhập cho người dân, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn, xây dựng, mở rộng đường làng, ngõ xóm, quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề Trung Nguyên quy mô 20 ha thuận tiện phát triển CN-TTCN.
Hằng năm, Đảng ủy và UBND xã có nghị quyết, kế hoạch chuyên đề lãnh đạo phát triển CN-TTCN; điều chỉnh cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng DV-TM, nhất là phát triển CN-TTCN".
Toàn xã hiện có hơn 450 hộ, chiếm gần 20% tổng số hộ toàn xã đăng ký hoạt động DV-TM. Trong đó, 350 hộ đăng ký hoạt động dịch vụ vận tải, máy xay xát, bán hàng tạp hóa, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng; 29 công ty TNHH đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) trên địa bàn các loại hàng hóa như sản xuất đũa gỗ, hương thơm, làm tóc xuất khẩu, tái chế nhựa, kinh doanh vật liệu xây dựng, xăng dầu…
Điển hình như Công ty TNHH săm lốp ô tô Tài Anh; Công ty TNHH săm lốp Tiến Đạt ở thôn Thiệu Tổ; Công ty cổ phần sản xuất hạt nhựa và đầu tư xây dựng Vĩnh Phúc ở thôn Trung Nguyên; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ HTP Vĩnh Phúc ở thôn Lỗ Quynh; doanh nghiệp Khải Thành chuyên tái chế nhựa; cơ sở sản xuất đũa gỗ Trần Đình Hoạt, cơ sở Thủy Thả, Minh Môn kinh doanh siêu thị hàng tiêu dùng…, giải quyết việc làm cho hơn 1.200 lao động tại địa phương.
Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất đạt kết quả cao như hộ ông Trần Đình Hoạt, thôn Lỗ Quynh, chuyên sản xuất đũa gỗ hơn 20 năm nay, mỗi năm thu lãi đạt hơn 300 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20 - 30 lao động, với mức thu nhập từ 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng; hộ bà Thủy Thả kinh doanh thiết bị điện nước, hộ ông Nguyễn Văn Vượng, thôn Thiệu Tổ, kinh doanh hàng tạp hóa; hộ Tính Tình kinh doanh lốp xe ô tô cũ; hộ Trọng Khuyên thu mua tóc xuất khẩu sang Hàn Quốc, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm...
Các doanh nghiệp, cơ sở SXKD trên địa bàn hoạt động hiệu quả, góp phần sắp xếp lại sản xuất, gia tăng giá trị thu nhập, nhất là lĩnh vực thu mua, tái chế phế liệu, gia công cơ khí, xây dựng, sản xuất đồ nhựa, kinh doanh lốp xe ô tô cũ… Theo đó, các dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin cũng được mở rộng, đa đạng về loại hình, quy mô, tạo thuận lợi cho việc đi lại và thông tin liên lạc của người dân.
Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn xã 9 tháng năm 2023 đạt hơn 816 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, trong đó tổng giá trị CN-TTCN-XD đạt 283 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ; TM-DV đạt hơn 435 tỷ đồng, chiếm hơn 53% tổng thu nhập toàn xã, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022. Thu nhập bình quân toàn xã 9 tháng năm 2023 tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2022, góp phần giảm hộ nghèo trên địa bàn xã theo tiêu chí mới xuống dưới 1,3%.
Dạo quanh một số thôn đang xây dựng thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu như Lỗ Quynh, Thiệu Tổ, Trung Nguyên, Đông Lỗ 1, Đông Lỗ 2… Thôn Thiệu Tổ - Phố làng, dọc hai bên đường, san sát nhà cao tầng, cửa hàng kinh doanh bày bán đủ các loại hàng tiêu dùng tiện ích như xe máy, ti vi, tủ lạnh, đồ gia dụng, đồ điện, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp…, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân với giá ngang bằng giá bán lẻ ở các nơi khác.
Dừng chân vào cửa hàng đồ gia dụng Thủy Thả với cửa hàng khang trang giáp mặt đường, bày bán hàng trăm mặt hàng gia dụng với tổng giá trị đầu tư hàng chục tỷ đồng từ vốn tự có, đặc biệt giá niêm yết trên các sản phẩm chỉ ngang bằng giá bán tại các siêu thị lớn, thậm chí có loại còn được bán với giá thấp hơn.
Với chủng lại hàng hóa đa dạng, giá cả hợp lý, người dân địa phương không cần phải về tỉnh hoặc xuống trung tâm huyện Yên Lạc mới có thể mua được. Điều đáng nói, nếu người trong làng, xã mua hàng có thiếu ít tiền vẫn có thể "chịu nợ" để mua được mặt hàng như ý về dùng.
Bà Nguyễn Thị Thủy, 47 tuổi, chủ cửa hàng Thủy Thả cho biết: “Hiện gia đình đầu tư 2 cửa hàng với hơn 300 mặt hàng dân dụng, đang tiếp tục mở rộng đầu tư thêm các mặt hàng thiết yếu gia dụng để bán cho bà con trong xã với giá bằng hoặc thấp hơn tại các cửa hàng lớn trên thành phố Vĩnh Yên, bởi gia đình không phải thuê mặt bằng, bà con có thể mua chịu. Hiện gia đình bà Thủy hợp đồng 5 lao động kỹ thuật lắp điện nước với lương thỏa thuận từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng”.
Để tiếp tục phát CN-TTCN, xã Trung Nguyên đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân có đất nằm trong khu quy hoạch cụm công nghiệp Trung Nguyên (20 ha) sớm nhận tiền bồi thường, giao đất xây dựng cụm công nghiệp Trung Nguyên, giai đoạn 1 quy mô 10 ha, để giúp người dân có mặt bằng kinh doanh, thuận lợi trao đổi hàng hóa.
Bên cạnh đó, tiếp tục khai thác các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, mở rộng đường trục liên thôn, thuận tiện cho xe ô tô vận chuyển hàng hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thành lập công ty TNHH đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất hàng hóa, nhất là sản xuất, chế biến nông sản, thu hút lao động tại chỗ.
Bài, ảnh: Hồng Nguyễn