Năm 2023, Vĩnh Phúc phấn đấu tổng thu ngân sách đạt 32.398 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 27.398 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), tạo đà thực hiện tốt nhiệm vụ nộp ngân sách Nhà nước; đồng thời tiếp tục nuôi dưỡng và khai thác nguồn thu, chống thất thu, thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí...
Cán bộ Cục Thuế tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tạo thuận lợi tối đa cho việc nộp thuế của người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Thế Hùng
Năm 2023, sự suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của tỉnh. Cùng với đó, lãi suất ngân hàng tăng cao; trong khi thị trường bất động sản trầm lắng, thị trường chứng khoán ảm đạm, điều này tác động gián tiếp đến sức mua và nhu cầu tiêu dùng của người dân, khiến ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh 8 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 18.000 tỷ đồng, đạt 55,6% dự toán, bằng 74,7% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa ước đạt hơn 14.600 tỷ đồng, đạt 55,6% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 74,7% so với cùng kỳ, thu NSNN đạt thấp chủ yếu do sản lượng tiêu thụ của Công ty Honda Việt Nam và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam trong 8 tháng năm 2023 sụt giảm mạnh.
Nhằm giúp các DN trong nước có thêm nguồn lực để đầu tư và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), thời gian qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ DN như Nghị định 12/2023 của Chính phủ quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập DN (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất; Nghị định số 36/2023/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; Nghị định 41/2023/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước; Nghị định số 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 101/2023 của Quốc hội.
Những chính sách này đã và đang giúp DN sản xuất và lắp ráp ô tô nói riêng và toàn ngành kinh tế nói chung giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ; từ đó, thúc đẩy SXKD, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.
Trong 8 tháng năm 2023, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,5%-3%/năm; tiết giảm chi phí hoạt động để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN phục hồi và phát triển SXKD. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn giảm so với cuối năm 2022.
Trước những khó khăn chung của nền kinh tế được dự báo sẽ tác động đến công tác thu NSNN của tỉnh, ngay từ những ngày đầu năm, dự toán ngân sách Nhà nước đã được tỉnh giao cho các cấp ngân sách; cơ quan Thuế các cấp đã tập trung tuyên truyền các chính sách về thuế, triển khai các biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người nộp thuế, đôn đốc quyết liệt các khoản thu thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN, các khoản thu từ đất, thu phí, lệ phí...
Xác định những khó khăn trong công tác thu thuế xuất nhập khẩu (XNK) năm 2023, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa trong lĩnh vực hải quan, Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc đã chú trọng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả thu NSNN, chống thất thu thuế từ các hoạt động XNK của DN như tăng cường công tác quản lý thuế; thực hiện tốt các quy định về phân loại hàng hóa, áp thuế xuất, xuất xứ hàng hóa; tăng cường kiểm tra sau thông quan đối với các loại hàng hóa thuộc diện miễn thuế nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại; tập trung rà soát, phân loại, lập hồ sơ theo dõi thuế XNK đối với từng DN...
Nhờ đó, tính đến hết tháng 8/2023, thu thuế XNK của tỉnh đạt trên 3.200 tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch được giao. Các mặt hàng XNK chủ yếu là linh kiện sản xuất ô tô, xe máy, thiết bị điện tử; nguyên liệu gia công, sản xuất các sản phẩm dệt may, cơ khí...
Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2023, tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành chức năng tiếp tục bám sát các nhiệm vụ phát triển KT - XH của tỉnh, tăng cường dự báo, phân tích tình hình thu NSNN trên địa bàn để đề xuất kịp thời các giải pháp đảm bảo cân đối ngân sách vững chắc theo dự toán đã được HĐND tỉnh quyết định, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi phục vụ phát triển KT-XH.
Hiện nay, toàn ngành Thuế Vĩnh Phúc đang tiếp tục triển khai quyết liệt, kịp thời các gói hỗ trợ về miễn, giảm, gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất của Quốc hội và Chính phủ; đồng bộ các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ thuế, thanh tra, kiểm tra; đảm bảo toàn ngành hoàn thành vượt mức dự toán được giao trong năm, nhất là trong bối cảnh số thu hiện vẫn đạt tỷ lệ thấp và tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Lưu Nhung