Vĩnh Phúc là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và là tỉnh tiên phong thí điểm xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM). Ở cả 2 chương trình này đều có câu nói rất quen thuộc là “… có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Tuy nhiên, như thế nào là không có điểm kết thúc thì không hẳn nhiều người rõ. Ngược lại, còn một số ý kiến bày tỏ băn khoăn, lo lắng về vấn đề này.
Làng ngày càng trở thành nơi đáng sống của người dân Vĩnh Phúc
Hàm ý của câu nói trên là xây dựng nông thôn mới, LVHKM vì mục tiêu hướng tới cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nên đích đến là không giới hạn, bà con được hưởng càng nhiều lợi ích càng tốt. Có điều, cụ thể của việc “Không có điểm kết thúc” là gì và làm thế nào để thực hiện được việc đó mới là câu chuyện đáng bàn.
Đến thời điểm này, mọi người dân đều nhất trí cho rằng chủ trương xây dựng nông thôn mới và LVHKM là rất đúng và trúng với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Việc cả hệ thống chính trị và mỗi người dân cùng đồng lòng nhập cuộc đã tạo ra một tâm và thế mới cho tỉnh trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.
Một số LVHKM đã khánh thành và đưa vào sử dụng các thiết chế văn hóa đem lại cho nhân dân địa phương những tiện ích khó có thể nói hết bằng lời.
Tuy nhiên, đó là giai đoạn trước mắt, còn về lâu dài, làm sao để duy trì và phát huy hết được công năng sử dụng của những thiết chế này đòi hỏi phải có những giải pháp thiết thực và hợp lý.
Nếu không, chỉ sau một thời gian, hoàn toàn có khả năng một số công trình làm ra chỉ để cho đẹp, mang tính hình thức chứ không có giá trị phục vụ đời sống thực tiễn.
Chia sẻ về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan nêu rõ, xây dựng những thiết chế văn hóa phục vụ đời sống nhân dân vừa là tâm huyết, vừa là trách nhiệm của Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền các cấp. Nhưng để duy trì và phát huy giá trị những thiết chế đó phải chính là những người sử dụng nó hằng ngày.
Ví như Nhà nước xây cho nhân dân 1 sân vận động hay 1 nhà thi đấu thể thao thì sau khi bàn giao, đó đã là tài sản của nhân dân thì nhân dân phải có trách nhiệm chăm sóc, bảo quản và sử dụng, khai thác nó sao cho vừa hiệu quả, bền vững vừa phát huy được giá trị vốn có chứ Nhà nước không thể thường xuyên chịu trách nhiệm trong việc quản lý, duy tu và cấp kinh phí cho những thiết chế này hoạt động mãi mãi.
Tất nhiên, để những thiết chế này hoạt động đúng như mục đích, tôn chỉ đề ra, cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng có những giải pháp cụ thể như giao cho đại diện người dân địa phương như chi bộ hay chính quyền thôn trực tiếp quản lý, nguồn kinh phí duy trì hoạt động có thể đến từ việc xã hội hóa, tài trợ hay đấu thầu sử dụng thiết chế.
Trao đổi về vấn đề này, cũng có ý kiến cho rằng nhận sự đầu tư của Nhà nước thì không vấn đề gì nhưng bảo người dân bỏ tiền ra để duy trì hoạt động của các thiết chế văn hóa e rằng hơi khó. Chúng tôi cho rằng đó là những ý kiến còn thiển cận và thiếu tính xây dựng.
Bởi thực tế cho thấy, quá trình xây dựng nông thôn mới hay LVHKM, đã có nhiều tấm gương điển hình trong việc hiến đất, ủng hộ tiền và vật chất trị giá hàng triệu hoặc hàng tỷ đồng cho tập thể mà người dân không hề băn khoăn luyến tiếc thì không lý gì mỗi tháng đóng góp vài chục nghìn đồng để duy trì hoạt động của các thiết chế văn hóa, họ lại chần chừ.
Có chăng là những thiết chế này có mang lại niềm vui và sức khỏe tinh thần thực sự cho họ hay không, việc vận hành và duy trì các thiết chế này có khoa học, hợp lý và minh bạch đủ khiến họ tin tưởng hay không?
Câu chuyện trên giống như trong một gia đình, người cha mua tặng cho mình một chiếc ô tô để tiện việc đi lại, làm ăn hay vui chơi những dịp rỗi rãi. Người con nhận xe rồi không thể tiếp tục đòi hỏi cha mình phải cấp thêm cả tiền xăng đi lại hằng ngày mới chịu sử dụng chiếc xe đó.
Ngược lại, ngoài việc biết ơn tình cảm của đấng sinh thành, người con đó còn phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, bảo quản món quà đáng quý ấy thông qua những việc làm cụ thể chứ không thể có chuyện bỏ xó chiếc xe như một đống sắt vụn chỉ vì không được … tặng kèm xăng.
Đây có lẽ là câu trả lời xác đáng nhất cho những băn khoăn về việc có hay không câu chuyện hình thức trong xây dựng LVHKM!
Bài, ảnh: Quang Nam