San gạt, hạ cốt, làm biến dạng đất; xây dựng công trình nhà cửa kiên cố, chuồng trại chăn nuôi… là một số vi phạm trên đất lâm nghiệp thuộc diện tích đất rừng được giao cho Trung tâm Phát triển lâm, nông nghiệp Vĩnh Phúc quản lý trên địa bàn huyện Tam Đảo trong thời gian qua. Tuy nhiên đến nay, nhiều vi phạm vẫn tồn tại chưa được xử lý dứt điểm gây bức xúc trong nhân dân.
Một số trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai trên phần đất giao cho Trung tâm Phát triển lâm, nông nghiệp Vĩnh Phúc tại thôn Tân Long, xã Hồ Sơn (Tam Đảo) chưa được xử lý dứt điểm.
Ngày 1/10/2020, Trung tâm Phát triển lâm, nông nghiệp Vĩnh Phúc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng đã kiểm tra, phát hiện có hành vi tạo lập công trình trái phép trên diện tích đất rừng sản xuất do Trung tâm quản lý tại lô 2-K22 trên địa bàn xã Hồ Sơn.
Tại hiện trường ghi nhận có một nền bê tông đã tạo lập bằng vật liệu xi măng, cát, sỏi với diện tích khoảng 170 m2; 6 bức tường được xây dựng bằng gạch nung, xi măng, cát với tổng diện tích trên 30 m2. Ngoài ra, còn một số vật liệu, dụng cụ dùng để xây dựng công trình.
Quá trình xác minh, xác định người tổ chức xây dựng trái phép là bà Nguyễn Phương Thảo, thôn Tân Long, xã Hồ Sơn. Bà Thảo đồng thời cũng là hộ nhận hợp đồng khoán đất lâm nghiệp trồng cây ăn quả và cây gỗ lâu năm với Trung tâm Phát triển lâm, nông nghiệp Vĩnh Phúc.
Khi phát hiện sự việc, bà Thảo có mặt tại hiện trường, Trung tâm đã mời bà Thảo làm việc nhưng bà Thảo không phối hợp và bỏ đi. Trung tâm đã lập biên bản và đình chỉ hành vi vi phạm nêu trên, đồng thời báo cáo UBND xã Hồ Sơn xử lý theo thẩm quyền.
Mặc dù chính quyền địa phương và Trung tâm Phát triển lâm, nông nghiệp Vĩnh Phúc đã nhiều lần làm việc, tuyên truyền vận động gia đình tháo dỡ vi phạm trả lại hiện trạng đất ban đầu, tuy nhiên, sau nhiều năm, vi phạm vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Đây chỉ là một trong số hàng chục trường hợp vi phạm diện tích đất rừng do Trung tâm Phát triển lâm, nông nghiệp Vĩnh Phúc quản lý tại địa bàn các xã, thị trấn Đại Đình, Tam Quan, Hồ Sơn, Minh Quang tồn tại trong thời gian dài chưa được xử lý dứt điểm.
Nhiều trường hợp vi phạm Trung tâm Phát triển lâm, nông nghiệp Vĩnh Phúc và chính quyền địa phương vẫn chưa thiết lập được hồ sơ để tiến hành các bước xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Tam Đảo có trên 60 trường hợp vi phạm trên đất rừng giao cho Trung tâm Phát triển lâm, nông nghiệp Vĩnh Phúc, với tổng diện tích vi phạm trên 25 nghìn m2. Các vi phạm chủ yếu là san gạt, hạ cốt làm biến dạng đất; xây dựng nhà cửa kiên cố, chuồng trại chăn nuôi…
Theo Phòng TN&MT Tam Đảo, để xảy ra các vụ vi phạm nêu trên, trách nhiệm trước hết thuộc về Trung tâm Phát triển lâm, nông nghiệp Vĩnh Phúc đã không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý triệt để ngay từ đầu, dẫn đến các vi phạm phát sinh, kéo dài.
UBND huyện đã có nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc Trung tâm Phát triển lâm, nông nghiệp Vĩnh Phúc, các xã, thị trấn và các đơn vi liên quan tập trung phối hợp xử lý dứt điểm, không để vi phạm kéo dài. Tuy nhiên đến nay, tình trạng trên vẫn còn nhiều tồn tại.
Để tập trung xử lý, giải quyết hiệu quả các vi phạm trên, huyện Tam Đảo đang quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu Trung tâm Phát triển lâm, nông nghiệp Vĩnh Phúc quản lý chặt chẽ đối với toàn bộ diện tích đất rừng được giao.
Thường xuyên tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện ngăn chặn các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền, tuyệt đối không để phát sinh các trường hợp vi phạm mới mà không được phát hiện, xử lý kịp thời.
Tổ chức rà soát lại toàn bộ các hợp đồng giao khoán cho các hộ dân, xác định rõ diện tích, loại đất, mục đích sử dụng từng loại đất, biện pháp bảo vệ đất; có các biện pháp xử lý đối với các hộ không thực hiện đúng hợp đồng giao khoán.
Trường hợp đơn vị không có nhu cầu sử dụng hoặc không có khả năng quản lý, bảo vệ thì kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh thu hồi và giao lại cho địa phương quản lý theo quy định. Phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn trong việc rà soát các trường hợp vi phạm, cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan để hoàn thiện hồ sơ đề xuất xử lý theo quy định.
Đối với các trường hợp lấn, chiếm, tạo lập công trình trái phép trên đất đã được giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Trung tâm Phát triển lâm, nông nghiệp Vĩnh Phúc quản lý thì phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tự tháo dỡ công trình vi phạm, khắc phục hậu quả .
Trường hợp không chấp hành thì phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ, trình tự, thủ tục, lập kế hoạch, phương án tổ chức cưỡng chế tháo dỡ, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý.
Các xã, thị trấn chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Phát triển lâm, nông nghiệp Vĩnh Phúc và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tự tháo dỡ công trình vi phạm, khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu.
Chủ trì, phối hợp với Trung tâm Phát triển lâm, nông nghiệp Vĩnh Phúc và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện cưỡng chế, tháo dỡ các công trình vi phạm trên đất. Tuyệt đối không để phát sinh các trường hợp vi phạm mới mà không được phát hiện, xử lý kịp thời.
Các đơn vị, phòng, ban liên quan chủ động hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc UBND các xã, thị trấn, Trung tâm Phát triển lâm, nông nghiệp Vĩnh Phúc thực hiện nhiệm vụ được giao; kịp thời tham mưu UBND huyện chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, lâm nghiệp.
Thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình để kịp thời báo cáo UBND huyện giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền trong quá trình giải quyết, xử lý các vi phạm…
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh