"… Chào bạn đến với buôn làng, mời bạn uống rượu cần"… lời hát cùng những điệu múa Xoang của các chàng trai, cô gái dân tộc Jrai cất lên ngân vang, khi trầm đục, khi trong trẻo trong một không gian thu nhỏ đã “tưới mát” tâm hồn mỗi du khách khi đến với vùng đất Tây Nguyên. Cách quảng bá du lịch này đã có sức hút mãnh liệt đối với du khách khi đặt chân tới đây.
Sức hấp dẫn của văn hóa các dân tộc
Trong chuyến đi công tác mới đây cùng HĐND thành phố Phúc Yên do đồng chí Đào Anh Dũng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Phúc Yên làm trưởng đoàn, chúng tôi đã đến những vùng, miền của các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk. Mỗi một vùng đất mang một màu sắc văn hóa riêng, nhưng đều chung cách quảng bá du lịch từ sự kiện “Bạn đến chơi nhà” ở không gian khu du lịch, nhà hàng.
Đồng bào dân tộc Jrai, tỉnh Gia Lai trong trang phục dân tộc và những bản nhạc cồng chiêng đón khách trong không gian ẩm thực
Trong không gian nhà hàng Plei Cồng chiêng ở thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai - nơi tiếp đón đoàn chúng tôi, là một quần thể với nhà dài, nhà rông, cồng chiêng, đàn các loại … hay những tạo hình nghệ thuật điêu khắc đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên…
Không chỉ thế, khi tới đây "chủ nhà" còn đón tiếp chúng tôi trong không gian đậm chất nghệ thuật, những cô gái, chàng trai các dân tộc trong các trang phục truyền thống “phô diễn” những điệu múa, bài hát đặc sắc trong tiếng cồng chiêng, đàn T'rưng…
Mô hình trưng bày cồng chiêng, nhà rông trong không gian thu nhỏ tại một nhà hàng ở thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai hấp dẫn du khách
Ở Khu du lịch văn hóa cộng đồng KoTam - nơi lưu giữ bản sắc văn hóa Tây Nguyên, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắk, chúng tôi được thưởng thức những bản nhạc cồng chiêng đặc sắc của đồng bào dân tộc Êđê, những hũ rượu cần giản dị, những bài hát cháy bỏng về Tây Nguyên... Đặc biệt, không có đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp mà chính đồng bào dân tộc biểu diễn mang đậm "hồn quê" cũng như tự hào về văn hóa dân tộc mình.
Trong không gian thưởng thức ẩm thực đặc trưng của mỗi địa phương, những ngôi nhà dài, nhà rông được khôi phục đúng với truyền thống cho chúng tôi cảm giác được về với văn hóa cội nguồn dân tộc vùng đất Tây Nguyên.
Sức hấp dẫn của văn hóa các dân tộc đã truyền cảm hứng và những gợi mở về du lịch khi “bạn đến chơi nhà”, không chỉ là tiếp đãi những món ăn đặc trưng vùng miền mà tất cả nét độc đáo đó được trưng diễn sống động trong không gian nhà hàng thu nhỏ để bắt đầu cho hành trình khám phá của du khách.
Khác xa với những chương trình sân khấu hoành tráng, các dịp lễ hội, các sự kiện văn hóa, nghệ thuật… mô hình trình diễn không gian văn hóa ở nơi thưởng thức ẩm thực hay khu du lịch đã có sức hút mới lạ đối với du khách, đã chạm đến tâm thức, trái tim họ một cách nhanh chóng và sâu đậm.
Tạo nét đặc sắc để "hút" khách du lịch
Tỉnh Vĩnh Phúc có 41 dân tộc anh em cùng sinh sống, gồm dân tộc Kinh và 40 dân tộc thiểu số, chủ yếu là các dân tộc Sán Dìu, Dao, Cao Lan, Tày, Mường, Nùng… mỗi dân tộc đều có nét văn hóa đặc sắc riêng tạo thành bức tranh phong phú.
Trang phục truyền thống của người dân tộc Sán Dìu là nét đẹp văn hóa cần được bảo tồn
Thời gian qua, nét văn hóa truyền thống các dân tộc được quan tâm khôi phục, đặc biệt là dân tộc Sán Dìu, Dao, Cao Lan. Tại các khu du lịch trọng điểm của tỉnh như Tam Đảo, Đại Lải đã xuất hiện các chương trình ca nhạc, giao lưu văn hóa-văn nghệ với đồng bào các dân tộc Sán Dìu, Cao Lan; những gian hàng trưng bày các trang phục, sản vật, ẩm thực của người Sán Dìu, Cao Lan. Các điệu hát Soọng cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu thu hút nhiều du khách...
Khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại lải Resort đã có không gian dành cho văn hóa ẩm thực, nghệ thuật của người Sán Dìu; thị trấn Tam Đảo đã xuất hiện nhiều khách sạn, nhà hàng như Venus, Camellia… với phong cách quảng bá du lịch từ cách bài trí ở khu vực lễ tân, phòng hội thảo, nơi nghỉ dưỡng, phòng ăn hướng về các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Vĩnh Phúc như các bức ảnh xưa và nay về quá trình hình thành khu nghỉ mát Tam Đảo; các bức ảnh về lễ hội, trang phục, nghệ thuật của dân tộc Sán Dìu, Dao, Cao Lan cũng được trưng bày tại khu vực Quảng trường thị trấn.
Tạo điểm nhấn bằng những bức ảnh Tam Đảo xưa tại không gian ẩm thực của khách sạn Camellia, huyện Tam Đảo đã tạo cảm hứng khám phá du lịch cho du khách
Đặc biệt, với Nghị quyết số 19 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025 đã chú trọng đến quảng bá du lịch với nhiều hình thức phong phú. Trong quá trình thực hiện, một số huyện, thành phố như Tam Đảo, Phúc Yên đã lựa chọn các làng có đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống với nhiều nét văn hóa đặc sắc để xây dựng LVHKM.
Tỉnh cũng chú trọng khôi phục nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số từ trang phục, phong tục tập quán, lễ hội tới nghệ thuật… Sắp tới, khi hình thành và hoàn thiện LVHKM, mỗi làng sẽ có điểm trưng bày các sản vật làng nghề, nét văn hóa đặc trưng. Du khách sẽ đi theo tour, tuyến đến với các làng văn hóa, ở đó, các nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc sẽ được trình diện đầy đủ, tạo sức hút với du khách thập phương…
Xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên có 23% đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống. Ở đây, nét văn hóa đã bị mai một khá nhiều. Sau chuyến công tác học tập kinh nghiệm tại Tây Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Phúc Yên Đào Anh Dũng đã truyền đạt, phổ biến kinh nghiệm với các đại biểu HĐND, đặc biệt là đại biểu thuộc các phòng chức năng liên quan, chính quyền địa phương cần tham mưu, xây dựng các chương trình phù hợp, chọn nét văn hóa tiêu biểu, đặc sắc nhất của đồng bào dân tộc thiểu số để đưa vào phục dựng, bảo tồn và lan tỏa.
Cùng với đó, mô hình bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia hát Soọng cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu cũng được thành phố chú trọng triển khai.
Thiết nghĩ, quảng bá du lịch khi “bạn đến chơi nhà” cũng là một cách làm gần gũi mà thiết thực. Tuy nhiên, điều này không chỉ là định hướng của các ngành chức năng, mà đòi hỏi mỗi cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, chính quyền địa phương cùng đồng bào các dân tộc cần nhận thức, vào cuộc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa, đồng thời lấy đó làm “trang sức” để có thể phô diễn, tạo sức hút cho du lịch.
Bài, ảnh: Thu Thủy