Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4 trường hợp ở các huyện Lập Thạch và Sông Lô tử vong do bệnh dại. Cả 4 trường hợp này đều tiếp xúc với chó dại nhưng không tiêm vắc xin phòng bệnh dại và huyết thanh kháng dại. Điều đáng nói là từ năm 1997-2012, Vĩnh Phúc không có trường hợp nào tử vong bệnh dại và có 11.249 người bị nghi chó dại cắn đã được tiêm phòng vắc xin dại, riêng trong 7 tháng đầu năm 2013 có 1.278 người được tiêm phòng dại, đạt 205,7 người/100.000 dân/năm được tiêm phòng dại. Bác sỹ Tạ Văn Chấn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh dại trên địa bàn tỉnh những năm gần đây, nhất là những tháng đầu năm 2013, bệnh dại có nguy cơ bùng phát trở lại. Nguyên nhân chính là do những ổ dịch dại đã tồn tại nhiều năm nay chưa giải quyết được triệt để; tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại trên địa bàn tỉnh thấp, chỉ khoảng 30%; người dân vẫn còn tồn tại tư tưởng chủ quan, lơ là trong việc tiêm phòng dại khi đã bị chó, mèo cắn; thói quen nuôi và thả chó mèo còn phổ biến ở đại đa số thôn dân cư. Trước tình hình trên, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng các huyện, thị, thành phối hợp với các ban, ngành liên quan tăng cường công tác truyền thông phòng chống bệnh dại để mọi người hiểu rõ cách phòng chống dịch như: không ăn thịt, không giết mổ chó, mèo ốm; khi bị chó, mèo cắn phải đến ngay các cơ sở y tế để tiêm phòng, đồng thời tổ chức tốt việc tiêm huyết thanh kháng dại hoặc vắc xin phòng bệnh dại cho các đối tượng nguy cơ cao. Chi cục Thú y các huyện, thị, thành cần nhanh chóng tiến hành rà soát đàn chó, mèo trên địa bàn, phát hiện nhanh các trường hợp nghi bệnh dại và tổ chức tiêu hủy theo quy định; tiêm phòng vác xin dại cho đàn chó, mèo; theo dõi, giám sát chặt chẽ số người bị chó cắn hoặc tiếp xúc với chó nghi mắc bệnh dại… Kim Ngân |