Về miền hát chèo Không biết từ bao giờ, chất ngọt của chèo đã ngấm vào họ - những người dân quanh năm lam lũ với đồng ruộng. Từ khi sinh ra họ đã được chải chuốt tâm hồn bằng những điệu chèo cổ. Với họ đó là báu vật mà tổ tiên, ông bà… để lại. Trong cuộc sống mưu sinh pha trộn cơn gió thị trường đầy khắc nghiệt… Họ - những người dân thôn Tảo Phú, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc vẫn trân trọng, giữ gìn. Bà Chu Thị Đoàn năm nay đã ở tuổi 65, là Chủ nhiệm Câu lạc bộ chèo Tảo Phú chia sẻ về truyền thống hát chèo nơi đây. Bà sinh ra đã được "tắm" trong dòng chảy ngọt ngào của những làn điệu chèo. Từ gia đình đến làng xóm, hầu hết ai cũng biết hát chèo, hát một cách tự nhiên và giản dị. Chỉ có vài nhạc cụ đơn sơ: nhị, sáo, trống, đàn tứ, đàn tam, đàn nguyệt… là điệu chèo được hòa âm chảy vào tâm hồn người tận hưởng những cảm xúc bồi hồi, da diết. Người dân nơi đây, từ khi còn nhỏ, trẻ em 7 - 8 tuổi đã được đi xem hát chèo trong những dịp hội làng, ngày lễ, Tết. Ký ức còn lại trong trái tim những người đã già là những điệu chèo quấn lấy họ, vấn vương theo cùng tháng năm. Những người con xã Tam Hồng xa quê chỉ mong về lại dù chỉ một ngày nghe lại điệu chèo cổ cho thỏa nỗi nhớ quê. Cái cách hát chèo mộc mạc ấy của người dân thôn Tảo Phú đã lan tỏa và thu hút, chinh phục cả những thế hệ trẻ còn xa lạ, coi chèo là một loại hình nghệ thuật cổ, khó tiếp cận và thưởng thức. Chị Đỗ Thị Phương Thảo (SN 1981) - người nhỏ tuổi nhất trong CLB tâm sự: “Trước đây, cuộc sống của gia đình tôi chỉ tập trung vào buôn bán. Hát chèo là một thứ gì đó rất xa lạ nhưng khi tiếp xúc với các chị trong CLB, nghe họ hát, họ say mê ngày đêm… tôi bị lây cảm xúc đam mê ấy. Tôi đã một mình tự hát thử sức và say nó lúc nào không biết. Giờ đây, chính việc hát chèo đã cho tôi biết yêu, cảm nhận cuộc sống và giá trị tinh thần vô giá mà cha ông đã để lại ”. Sau đó, người chị dâu của chị Thảo cũng bị “dẫn dụ” vào bộ môn nghệ thuật này một cách tự nhiên. Cả hai chị em ngoài việc buôn bán, chăm lo gia đình luôn nhiệt tình tham gia CLB. Người Tảo Phú hát chèo, họ hát trong cuộc sống bộn bề khó khăn nhưng tràn đầy niềm tin. Họ dạy lại cho con cháu của mình, truyền thứ di sản quý giá ấy đánh thức tính tự tôn dân tộc, tình yêu quê hương, ơn nhớ tổ tiên. Hát chèo có sức hút với cả người già, người trẻ bởi những âm thanh riêng của nó. Những đoạn trích: ”Thạch Sanh và Lý Thông”, “Tấm Cám”... cho thấy một cách kể chuyện độc đáo qua diễn xuất và ngôn ngữ ngọt ngào hấp dẫn người nghe. Nghe mãi trong cùng những thứ âm thanh bất tận của đàn bầu, đàn nguyệt… Những điệu chèo cổ : “Đò đưa”, “Đào liễu”, “Luyện năm cung”, “Quân tử vô địch”… được hát mãi trong những cuộc giao lưu, biểu diễn… không làm người ta nhàm chán. Ngược lại, sau mỗi điệu chèo cổ, lay động những cảm xúc sâu thẳm nhất của con người. Nhiều làn điệu, vở diễn đã đem lại Huy chương vàng cho CLB Chèo Tảo Phú trong dịp Liên hoan gặp gỡ các làng Chèo toàn quốc. Thế nhưng, hiện nay, với nguồn kinh phí tự lo còn hạn hẹp, CLB không tự bươn trải được, nên những buổi biểu diễn, giao lưu của CLB hiện nay cũng dần thưa thớt… Con đường khôi phục nghệ thuật hát chèo? Theo thống kê của Trung tâm Văn hóa tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có 17 CLB hát chèo. Con số còn quá khiêm tốn với một vùng đất giàu bản sắc dân tộc và di sản văn hóa như Vĩnh Phúc. Nhằm khôi phục nghệ thuật hát chèo, thời gian qua, Trung tâm đã tổ chức 2 lớp tập huấn hát chèo cho các hạt nhân văn nghệ thuộc các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Thực tế, hiện nay, các CLB này còn pha trộn : hát chèo, hát văn, hát ca trù, hát xẩm… Các CLB đều bắt nguồn từ tình yêu nghệ thuật âm nhạc và truyền thống cha ông để lại nên người dân đã tự tìm tòi, thu hút các thành viên tham gia và hoạt động theo hình tức tự lo kinh phí, nhờ vào sự ủng hộ của chính quyền, doanh nghiệp địa phương.
Chuyện Đoàn nghệ thuật chèo Vĩnh Phúc đã nhiều năm dàn dựng lại các vở chèo biểu diễn phục vụ nhân dân và bảo tồn các làn điệu chèo cổ, góp phần vào việc giữ gìn loại hình nghệ thuật đặc sắc này đã bước đầu đánh thức món ăn tinh thần cho người dân. Nhiều vở diễn của Đoàn như: “Tống Trân Cúc Hoa”; “Tấm Cám”; “Bả công Danh” và đặc biệt vở “Quả ngọt trái mùa” được phát sóng trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam đã được người xem đánh giá cao. Thời gian qua, Đoàn nghệ thuật Chèo Vĩnh Phúc đã triển khai xây dựng mô hình biểu diễn “Sân khấu nhỏ”, trong đó, có hát chèo để phục vụ các điểm du lịch, lễ hội và nhân dân tham gia biểu diễn phục vụ Tuần văn hóa du lịch tỉnh Vĩnh Phúc; đồng thời, tiếp tục tổ chức biểu diễn hát chèo phục vụ khách tham quan khu danh thắng Tây Thiên. Đặc biệt, Đoàn đã triển khai thực hiện thành công Dự án “Sân khấu học đường” năm 2013 tại 3 trường THCS : Bình Dương (Vĩnh Tường), Tam Hồng, Nguyệt Đức (Yên Lạc) thu hút được đông đảo học sinh tham gia, giúp các em cảm thụ được những giá trị của nghệ thuật sân khấu truyền thống, rèn luyện ý thức trân trọng, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Các em đã học được từ các trích đoạn chèo cổ những giá trị tinh thần, lịch sử dân tộc và tình yêu quê hương, đất nước, hướng tới một cuộc sống lành mạnh, ý nghĩa. Chị Nguyễn Thị Thơm, Trưởng đoàn Nghệ thuật Chèo Vĩnh Phúc cho biết : “Hát chèo rất khó, nó đòi hỏi chất giọng, cách cảm thụ ngôn từ để diễn đạt thành lời hát và hơn cả là chất say. Chất say được thể hiện ở niềm đam mê mỗi người hát. Dù là nghệ nhân hay không thì lời hát cất lên sẽ được bộc lộ ngay…Vì thế, khôi phục hát chèo là một sự đánh thức ý thức giữ gìn văn hóa dân tộc cho lớp trẻ hôm nay”. Rõ ràng, tiềm năng và đam mê trong mỗi trái tim những nghệ nhân hát chèo vẫn còn cháy bỏng... Nhưng con đường để khôi phục lại nghệ thuật hát chèo và những chiếu chèo năm xưa ở Vĩnh Phúc như chuyện có “kỳ đức” mà “y phục” còn chưa tương xứng. Bài, ảnh Thu Thủy |