Chị Nguyễn Ngọc Hoa (Cống Vị, Hà Nội) chia sẻ, nhà chị đi thuê nên chỉ gồm một phòng nhỏ khoảng 20m2. Vì bố chị mất nên chị đưa ảnh theo để thờ. Căn phòng nhỏ, các khoảng trống không trên tường có nên chị chọn được một vị trí đối diện cửa ra vào nhưng sát cạnh tủ quần để làm bàn thờ. Chị chưa rõ khu vực này có phù hợp không, cũng như chiều cao bàn thờ nên cân đối thế nào với căn phòng. KTS Bùi Nghiệp, chuyên gia phong thủy, Công ty Cổ phần Nhà Xuân phân tích, trong một ngôi nhà, không gian thờ cúng là nơi linh thiêng nên cần phải có sự trang nghiêm, ngăn nắp sạch sẽ. Trong các điều, nên tránh bố trí tủ quần áo bên cạnh ban thờ vì trong quá trình sử dụng người trong nhà có thể sơ ý sẽ làm động ban thờ, theo phong thủy là không tốt. Trong trường hợp không gian quá chật hẹp phải để tủ quần áo bên cạnh bàn thờ thì cần bố trí một khu vực khác để thay đồ. Ngoài ra, ban thờ hiện nay thường có hai loại: Ban thờ treo tường và tủ thờ. Các kích thước cần quan tâm là: Chiều rộng, chiều sâu và chiều cao của ban thờ. Các số đo này không quy định một loại kích thước cụ thể mà tùy theo nhà rộng hay hẹp để lựa ban thờ với kích thước to nhỏ khác nhau. Theo phong thủy nên lựa chọn các kích thước trên sao cho các kích thước này rơi vào các cung "cát" của thước Lỗ Ban là đạt yêu cầu. Cách bài trí bàn thờ theo phong thủy Chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian Lê Quang Khang tư vấn: Những gia đình hiện nay có thể tùy vào hoàn cảnh cụ thể để thiết kế bàn thờ cho phù hợp mà vẫn phải đảm bảo những yếu tố cơ bản như đầu tiên là bàn thờ phải thiết lập ở nơi trang trọng, ấm cúng nhất trong căn hộ, hướng quay ra cửa chính. Hai là phải sắm bàn thờ riêng, lớn bé tùy điều kiện không gian, có khi chỉ là một tấm gỗ gắn trên tường chứ không nên thờ trên nóc tủ vì thường xuyên đóng mở cánh tủ sẽ làm động bát hương, như thế rất không hay. Ba là thổ công, tổ đường, bà cô, ông mãnh có thể thờ chung một bàn cho tiện nghi. Nhưng phải bày bài vị thổ công cao nhất, rồi đến bài vị tổ đường, thấp nhất là bài vị bà cô, ông mãnh. Chỉ khi người mới mất phải lập bàn thờ riêng. Sau ba năm làm lễ trừ phục (hết tang) mới nhập vào bàn thờ chung. Bốn là trên bàn thờ, đầu tiên phải có bài vị ghi thần chủ đặt sát tường. Bài vị tổ đường có thể không cần bốn đời như xưa mà nên nhất nguyên hóa cho tiện nghi nhưng vẫn đúng. Kế đến là bát hương, mỗi thần chủ là một bát hương. Bát hương của thần chủ nào bày thẳng trước mặt thần chủ đó. Vị trí gần phía ngoài để mỗi khi cắm hương có thể trịnh trọng cắm bằng cả hai tay một cách dễ dàng, không nên chỉ cầm được một tay và cố với hoặc phải bắc ghế mới cắm được. (Theo Kienthuc) |