Những ngày cuối tháng tư đầu tháng 5, nhiệt độ ngoài trời của thành phố Hà Nội và Điện Biên lên 38- 40 độ, nhưng vẫn không làm cho chúng tôi quản ngại đường xá xa xôi, háo hức lên đường. Sau một đêm “nằm” xe khách từ Hà Nội ngược hơn 400 km đường đèo đốc, vòng vèo nguy hiểm, chúng tôi tới thành phố Điện Biên vào 8 giờ sáng ngày hôm sau. Đến đầu thành phố dọc hai bên đường, khu trung tâm rực rỡ cờ, hoa, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng kỷ niệm 58 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2012). Dù đã nhiều lần đến Tây Bắc, nhưng tôi vẫn bị cuốn hút bởi ánh nắng vàng mênh mông trải trên cánh đồng Mường Thanh, như tiếp sức cho cây lúa đang vào kỳ chắc hạt. Chị Nguyễn Minh Hải, cán bộ Trường Cao đẳng và Du lịch Hà Nội, đi cùng đoàn lần đầu đến với Tây Bắc đã thốt lên: Nắng ở Điện Biên đẹp quá! |
 |
Múa quạt của các cô gái Thái ở bản Ten (huyện Điện Biên) | |
Điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình của chúng tôi là Nhà trưng bày chiến thắng Điện Biên Phủ nơi đang lưu giữ hơn 500 hiện vật trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược gian khổ của quân và dân ta ở Điện Biên Phủ. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và xúc động trước chiếc xe đạp thồ của ông Ma Văn Thắng, quê ở tỉnh Phú Thọ, ông Thắng đã cùng 21.991 dân công, trong 56 ngày đêm “gan không núng, chí không mòn” chở hàng chục tấn lương thực bằng chiếc xe thồ của mình phục vụ chiến dịch. Thông thường mỗi xe đạp thồ chỉ chở được từ 100-150 kg; riêng chiếc xe thồ của ông Ma Văn Thắng, mỗi chuyến vận chuyển được từ 150-250 kg, chuyến cao nhất ông đã vận chuyển được 337 kg. Cảm động hơn với chúng tôi chính là chiếc xe Cút kít được làm bằng gỗ ban thờ tổ tiên của nhà mình của dân công Trịnh Đình Bần, quê ở tỉnh Thanh Hóa. Hướng dẫn viên nhà bảo tàng, Cử nhân sử học Nguyễn Thúy Hằng xúc động kể: Sở dĩ chiếc xe Cút kít này được làm bằng gỗ bàn thờ vì gia đình ông Bần quá nghèo, nhưng ông muốn tham gia chiến dịch, ông Bần đã lấy bàn thờ tổ tiên để đóng chiếc xe Cút kít này. Trong thời gian tham gia chiến dịch ông Bần đã vận chuyển được 12 tấn lương thực, thực phẩm phục vụ chiến trường. Với thành tích kể trên, ông đã được Bác Hồ tặng thưởng Huy hiệu của Người. Việc làm của ông Thắng, ông Bần đã khiến cho nhà báo Pháp Giuyn Roa khi đến thăm Bảo tàng năm 1993, đã phải thốt lên: “Việt Nam đánh thắng Na-Va chính là những chiếc xe đạp thồ…” Tổng thống Pháp Mit-tơ-răng trong một lần sang thăm nước ta khi trở lại Điện Biên Phủ, được chứng kiến những hình ảnh này đã nói: “Tinh thần người Việt thật đáng khâm phục”.

Một góc Điện Biên nhìn từ Tượng đài Chiến thắng

Hồ bộc phá trên đồi A1
Trong nắng chiều mênh mông, dưới sắc hoa phượng đỏ rực rỡ, chúng tôi đứng trên đỉnh đồi A1, thuộc phường Mường Thanh (cứ điểm quan trọng nhất trong Tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ). Đồi A1 nằm theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, cao 32 mét so với mặt đường, rộng 8,2 ha. Đồi A1 cách Hầm Chỉ huy của tướng Đờ-Cát khoảng 500 mét, với 3 tuyến phòng thủ vững chắc, được rào bằng lưới dây thép gai, và gài mìn tự động, đây là lưới lửa thiêu đốt đối phương bất kể lúc nào. Để đánh chiếm được cứ điểm quan trọng bậc nhất của quân Pháp này, trong 39 ngày đêm bộ đội ta phải “đào hầm để trị hầm” được hơn 100 mét hầm xuyên lên đồi trong điều kiện đất đá rắn, lại phải đào bí mật vào ban đêm, việc đưa đất ra ngoài rất khó khăn, phải dùng túi dù đựng đất đem ra ngoài. Để đảm bảo tiến độ chiến dịch, các chiến sĩ phải thay nhau dùng quạt nan quạt cho đồng đội đào hầm mà quân Pháp không hề phát hiện được. Với cách làm bí mật, an toàn vừa đào hầm vừa đưa đất ra ngoài và đưa vũ khí, thuốc nổ vào hầm. Các chiến sĩ của ta đã đưa được 996 kg thuốc nổ cùng hàng trăm súng, đạn vào sát hầm chỉ huy của cứ điểm để đánh phá, đồng thời làm tín hiệu Tổng công kích quân Pháp vào đúng 20 giờ ngày 6-5-1954; đến 3 giờ sáng ngày 7-5-1954 ta bắt sống tên Trung tá Pure chỉ huy cứ điểm Đồi A1 cùng 30 sĩ quan và lính dù, đến 4 giờ sáng cùng ngày, quân ta giải phóng hoàn toàn Đồi A1. Trong 3 chiến sĩ được giao giật nụ xòe phát nổ khối bộc phá gần một ngàn cân ngày ấy có Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thái Bạch, quê ở huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Trận đánh chiếm cứ điểm Đồi A1, quân ta đã tiêu điệt dược 825 quân Pháp. Nhìn dấu tích của những đường hầm ngang dọc, hàng rào kẽm gai cùng xác xe tăng của giặc Pháp còn lại; phía lưng đồi theo hướng Đông – Nam là hố nổ khối bộc phá với chiều rộng 18 mét, sâu 12 mét, nhất là ngôi mộ tập thể nơi 3 chiến sĩ đã hi sinh khi chỉ cách 3 mét là tới hầm chỉ huy của giặc Pháp ở Đồi A1, chúng tôi không khỏi bùi ngùi về sự hi sinh mất mát quá lớn để giành lại từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và thêm khâm phục ý chí và tinh thần thép của các chiến sĩ Điện Biên.
Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên nằm đối diện với Đồi A1, trên một vùng đất rộng hơn 2 ha thuộc phường Mường Thanh - trung tâm thành phố Điện Biên với 2.436 ngôi mộ. Những ngôi mộ thẳng hàng, nằm sát bên nhau trong nắng sớm rì rào gió thổi, hương trầm thơm ngát. Điều khiến cho mọi người day dứt nhất khi thăm nghĩa trang được biết trong số những ngôi mộ kia giờ chỉ còn 4 ngôi mộ có tên, tuổi, quê quán, còn lại đều vô danh do một cơn lũ lịch sử xẩy ra cuối năm 1954 đã cuốn trôi tất cả những tấm bia trên mộ. Trong không khí trang nghiêm mà thiêng liêng xúc động, chúng tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ hết sự khắc nghiệt của chiến tranh, sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ cách mạng; bài học về tinh thần yêu nước, sự tin tưởng tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo cách mạng của Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Cách thành phố Điện Biên 18 km theo đường chim bay, nhưng chúng tôi phải đi ô tô theo đường bộ gần 40 km mới đến được Khu di tích lịch sử Mường Phăng, nơi Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ của quân đội ta gắn bó 103 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm” “cơm dầm, mưa vắt”. Đi dưới 69 mét đường hầm xuyên núi với chiều rộng từ 1-3 mét, cao 1,8 mét do 50 chiến sĩ của ta đào trong 28 ngày đêm để nối Hầm Chỉ huy của Đại tướng, Tổng Tư lệnh chiến dịch Võ Nguyên Giáp với các cơ quan tham mưu, cơ yếu, hội trường họp Bộ Chỉ huy chiến dịch và cơ quan cố vấn của quân đội Trung Quốc cử sang giúp ta đánh Pháp đảm bảo bí mật, an toàn. Những chiếc bàn, ghế làm việc, giường ngủ, lán, trại được làm bằng tre, nứa, gỗ, lá cọ đã làm cho hàng ngàn trái tim bồi hồi xúc động. Ông Nguyễn Văn Tuấn, 53 tuổi, CCB chống Mĩ, Phó Bí thư Huyện ủy huyện Mê Linh (thành phố Hà Nội) đã đưa vợ cùng 2 con về thăm di tích xúc động cho biết: Tôi đưa vợ, con đến để hiểu thêm những gì cha ông ta đã sống và chiến đấu làm lên chiến thắng. CCB, thương binh Nguyễn Thắng Lợi, 81 tuổi, quê ở Hương Sơn (Nghệ An) rưng rưng: Hơn 50 năm tôi mới đến được nơi đây lần đầu. Cảm phục Đại tướng và Bộ Chỉ huy chiến dịch vô cùng.
Cánh rừng nguyên sinh Mường Phăng trải rộng hơn 90 km vuông, với hơn 300 loài thực vật, 250 loài chim thú quý hiếm trú ngụ sinh sôi, được bảo vệ nghiêm ngặt đã làm cho khu di tích trở lên xum xuê, mát mẻ nhưng đầy “bí ẩn”; mỗi ngày thu hút hàng trăm lượt khách trong và ngoài nước đến thăm quan. Hướng dẫn viên Cà Thị Minh, 26 tuổi, người dân tộc Thái, quê ở xã Mường Phăng cho biết: Từ khi kháng chiến thành công, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm bảo vệ khu di tích, nhữgn năm đổi mới đã đầu tư hàng chụ tỷ đồng xây dựng đường giao thông, điện lưới, trường học, trạm y tế, kênh dẫn nước, nhà văn hóa… nhờ đó bà con nơi đây đã thoát cảnh tối tăm mịt mùng. Cánh đồng lúa rộng 100 ha kéo dài từ chân đồi Phăng nối với Bản Xôm, Bản Kéo, Bản Khôm chỉ sản xuất được một vụ nhưng nhờ biết chuyển đổi giống lúa lai cho năng suất cao giúp hơn 2500 nhân khẩu của 4 dân tộc trong xã nhiều năm qua được no ấm vươn lên làm giàu.
58 năm qua, Sở Chỉ huy Chiến dịch do Điện Biên Phủ ở Mường Phăng bây giờ chỉ còn là khu di tích lịch sử, màu xanh của sự sống đã phủ lên sự gian khổ mất mát hy sinh, những dấu tích xưa vẫn còn nguyên vẹn, mặc cho mưa xối, nắng thiêu để từ trong thẳm sâu mỗi CCB Điện Biên khi trở về với ký ức của thời kỳ chiến đấu cam go và ác liệt luôn phấn khởi tự hào. Thời gian có thể phủ lớp bụi mờ lên tất cả, nhưng chính thời gian lại khuất phục trước những chiến công được lập nên từ một ý chí thép và khát vọng tự do cao cả của con người. Điều đó đã lý giải cho sự hành hương của hàng triệu người Việt Nam đến mảnh đất này - đến để thể hiện tấm lòng người sống đối với các Anh hùng liệt sĩ Điện Biên năm xưa đã quên mình hi sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân cho hôm nay và cả mai sau.
Tạm biệt Điện Biên Phủ đầy kỷ niệm, tôi đem theo dư âm tốt đẹp của những du khách đến thăm quan Điện Biên mà mình được gặp; mang theo tấm lòng của người dân Điện Biên hôm nay với các Anh hùng liệt sỹ đã hi sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Tôi không sao quên được nụ cười của các cô gái Thái ở đội văn nghệ Bản Ten (huyện Điện Biên). Trong đêm giao lưu Văn hóa - Văn nghệ với chúng tôi, có sự chung vui của đồng chí Chủ tịch huyện Điện Biên Lò Văn Phương và vợ anh cô giáo Phạm Minh Thúy. Trong tôi đọng mãi câu thơ của ai đó viết: “Không phải lần đầu anh đến Điện Biên/Sao vẫn nhớ thương nhiều đến thế/Cánh đồng Mường Thanh ngập tràn hương lúa/ Em gái Thái cười- rạng rỡ ban mai”…Khi xa rồi còn tha thiết… Điện Biên ơi...
Ghi chép của Xuân Hùng