Tranh thủ trước giờ khai mạc, tôi gặp thủ khoa Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, em Nguyễn Xuân Tiến, cựu học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự (Lập Thạch), quê ở xã Đồng Quế, huyện Sông Lô. Tiến gầy và cao, khuôn mặt khắc khổ do hoàn cảnh gia cảnh nghèo khó, lại vừa trải qua kỳ ôn thi tốt nghiệp và kỳ thi tuyển sinh đại học nay vẫn chưa hồi sức. Bù lại, Tiến có đôi mắt sáng, nụ cười rất tươi và tự tin. Quê Tiến nghèo khó. Bố Tiến bị bạo bệnh không giúp được mẹ em. Mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình em trông vào đôi vai người mẹ tần tảo quanh năm với mấy sào ruộng, mà cái ăn, cái mặc vẫn thiếu. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều khi phải nhịn ăn sáng để lấy tiền mua sách học thêm. Với đức tính cần cù, ham học hỏi, thông minh, suốt 12 năm học phổ thông em đều học sinh giỏi toàn diện. Kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2012, Tiến thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội I để bớt phần gánh nặng học phí cho mẹ. Với sự nỗ lực của bản thân, Tiến đạt 26 điểm, trung bình đạt 8,7 điểm/môn (không kể điểm cộng ưu tiên vùng núi), đỗ thủ khoa khối C trường ĐHSP Hà Nội I. Biết tin Tiến đỗ thủ khoa gia đình, nhà trường và làng xóm ai cũng vui mừng cho cậu bé Tiến nhà nghèo học giỏi. Tiến tâm sự: Khó khăn vẫn còn chờ em phía trước, em sẽ phải cố gắng hơn rất nhiều để không phụ lòng mong mỏi của gia đình, bạn bè và thầy cô giáo, Em Nguyễn Văn Thu, học sinh lớp 12A1, trường THPT Yên Lạc I, thủ khoa Học viện Ngân hàng đã làm cho chúng tôi xúc động bởi nghị lực của cậu bé sinh ra và lớn lên trên vùng đất cổ thuộc xóm Đoài, xã Minh Tân cũ nay là thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc). Dù bố mẹ đều làm ruộng, không có thời gian chăm sóc động viên con trong học tập như nhiều gia đình khác nhưng Thu luôn tự mình phấn đấu vươn lên trong học tập. Là học sinh chăm ngoan, mỗi khi lên lớp em luôn chăm chú lắng nghe thầy cô giảng bài, về nhà em làm hết bài tập, bài nào chưa làm được, em để đến hôm sau lên lớp hỏi lại thầy giáo. Phương pháp học của Thu là thuộc lòng công thức, khi giải bài tập vận dụng công thức làm bài sao cho thật ngắn gọn, dễ hiểu. Kỳ thi đại học vừa rồi em đạt 27,5 điểm/3 môn thi (bình quân 9,2 điểm/môn). Với kết quả này, Thu đỗ thủ khoa Học viện Ngân hàng. Đây là món quà vui nhất của em cảm ơn thầy cô giáo, bố mẹ nuôi dạy em - Thu tâm sự: Em còn phải cố gắng rất nhiều ở trường đại học. Buổi gặp mặt của ngành giáo dục và Hội Khuyến học tỉnh là nguồn động viên cổ vũ em tiếp tục học tập tốt hơn trong thời gian tới. Cặp kính cận khá dày trên gương mặt thư sinh của cô gái nhỏ thó có tên rất hay Phạm Anh Thư, học sinh Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc khiến tôi tò mò. Thư sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bố làm cán bộ nhà nước, mẹ làm ruộng, tại vùng đất bài nghèo, xã Phú Thịnh, huyện Vĩnh Tường, nhà có 3 chị em, Thư là con út được bố mẹ nuông chiều hơn nhưng không vì thế mà em lười biếng, noi gương anh chị đều đã tốt nghiệp đại học. Thư rất chăm chỉ học hành, suốt những năm học bậc tiểu học và THCS năm học nào Thư cũng đạt học sinh giỏi (HSG). Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, em đã thi đỗ vào lớp Chuyên Tiếng Anh. Với lòng ham mê học hỏi, em đã nhanh chóng nắm bắt được các kỹ năng “nói, đọc, học, viết” môn Tiếng Anh và các môn học khác. Em học đều các môn, nhưng môn Tiếng Anh nổi trội hơn Kỳ thi HSG cấp tỉnh năm 2012, em đoạt giải Ba. Kỳ thi tuyển sinh đại học 2012, Thư đỗ vào Trường Đại học Ngoại thương với số điểm 24 điểm, riêng môn Tiếng Anh đạt 8,5 điểm. Người dân vùng đất lở xã Trung Hà (huyện Yên Lạc) rất vui khi biết tin cô bé Trần Thị Hiên, lớp 12C, trường THPT Yên Lạc II, mồ côi cha nhà nghèo đỗ vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội I với số điểm rất cao. Bố mất sớm, mọi chi tiêu cho sinh hoạt gia đình của 5 chị em Hiên đều trông vào đôi vai người mẹ làm ruộng, 2 chị gái Hiên phải bỏ học sớm đi làm giúp mẹ. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình nên Hiên rất chăm chỉ học. Kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, Hiên đạt 25 điểm, thủ khoa Khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội I. Em rất vui mừng với kết quả đã đạt được, em sẽ tiếp tục phấn đấu trong trường để báo đáp công ơn mẹ và thầy cô. Điều làm em lo lắng trong 4 năm ăn học ở Hà Nội, mỗi tháng phải chi tiêu 2 triệu đồng; ước mơ của em khi tốt nghiệp ra trường được về quê dạy học. Chúng tôi không thể gặp gỡ 203 em học sinh đạt kết quả xuất sắc trong kỳ thi đại học 2012. Mỗi em một hoàn cảnh riêng, thuận lợi có, khó khăn có, nhưng ở các em đều có một điểm chung là hiếu học và say mê cống hiến sức trẻ cho quê hương, đất nước. Hy vọng các em sẽ gặt hái nhiều thành tích trong học tập và cuộc sống. Xuân Hùng |