Khó khăn hạn chế, cần sớm cải thiện. Theo thống kê, năm học 2011-2012, toàn xã có 03 trường với 1.240 học sinh. 3 cấp học có tổng số trên 90 cán bộ, giáo viên. Trong đó, trường mầm non có 20 giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn; trường tiểu học có 27/29 giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn, chiếm 93,2%; trường THCS có 38 giáo viên, 100% đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn. Sự phát triển mạng lưới trường lớp trên địa bàn xã tạo điều kiện thuận lợi cho con em đến trường. Trong năm học 2011-2012, ở bậc học mầm non, trẻ ăn bán trú đạt 100%, tỷ lệ suy dinh dưỡng đầu năm học là 14,52%, đến cuối năm học tỷ lệ này giảm xuống còn 7,42%. Ở bậc tiểu học, 100% học sinh đạt hạnh kiểm tốt, 65,9% học sinh đạt học lực khá, giỏi; có 19 em đạt học sinh giỏi các cấp. 100% học sinh được học 02 buổi/ngày, học sinh tham gia lớp bán trú đạt 27,5%. Ở bậc THCS, 88,5% học sinh đạt hạnh kiểm khá, tốt; 27,5% học sinh đạt học lực khá, giỏi; thi học sinh giỏi các cấp có 12 em đạt giải. Có thể thấy, giáo dục xã miền núi Trung Mỹ thời gian qua đạt được nhiều thành tích nổi bật, không chỉ nâng cao dân trí và nhận thức của người dân mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo nền kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, nếu so với nhiều địa phương đồng bằng khác trong vùng thì tốc độ phát triển về giáo dục của xã còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ. Do địa hình xã Trung Mỹ trải dài, dân cư nhiều nơi sinh sống không tập trung nên việc cho con em đến trường gặp không ít khó khăn. Vì vậy, bậc học mầm non của xã chưa được quy hoạch tập trung tại một địa điểm. Hiện nay, xã có một trường mầm non tại khu trung tâm và các lớp ghép tại 6 khu lẻ khác. Khu trung tâm chỉ có 7 lớp, trong đó các khu lẻ khác lên tới 8 lớp và phải ghép nhiều lứa tuổi học chung một lớp. Nhiều khu lẻ cách xa khu trung tâm từ 5-7 km nên công tác trao đổi, giao lưu khó thực hiện. Thực tế, tại các khu lẻ trang thiết bị thiếu thốn, đồ chơi cho học sinh không đạt chuẩn, thiếu các dụng cụ hỗ trợ công tác dạy và học. Ngoài ra, do tình trạng thiếu lớp và giáo viên nên trung bình đạt 40 học sinh/ lớp, vượt quá 5 cháu/lớp. Còn ở bậc học tiểu học và THCS, nhiều phụ huynh chưa quan tâm đến việc học của con em mình, học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhiều nên tình trạng học sinh bỏ học, học sinh yếu về hạnh kiểm còn xuất hiện. Chất lượng cũng là một bài toán nan giải đối với sự nghiệp giáo dục của xã miền núi. Hiện nay, tỉ lệ trẻ theo học ở bậc mẫu giáo thấp. Công tác vận động trẻ đến trường tại địa phương còn khó khăn. Nhận thức của người dân hạn chế, nhiều gia đình không cho trẻ tới trường, nên công tác tuyển sinh của trường luôn không hoàn thành chỉ tiêu được giao. Trong đó, trẻ mẫu giáo đến trường đạt 99,68%; trẻ nhà trẻ chỉ đạt 10,48%. Tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi đạt 92,5%; học sinh yếu chiếm 1,6%. Tỷ lệ tốt nghiệp THCS mới đạt 98,3%. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên và việc luân chuyển giáo viên còn bất cập. Trên 80% là giáo viên là từ nơi khác đến nên việc luân chuyển giáo viên diễn ra thường xuyên, đội ngũ giáo viên thiếu tính ổn định, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý học sinh, nhà trường và các bậc phụ huynh. Thời gian qua, tỉnh có nhiều chủ trương, biện pháp cụ thể quan tâm đầu tư cho giáo dục miền núi nhưng do xuất phát điểm thấp, điều kiện khó khăn nên sự nghiệp “trồng người” tại nhiều địa phương chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém. Hầu hết các trường trên địa bàn xã Trung Mỹ còn thiếu lớp học, lớp học tạm bợ, các lớp học đa năng, khu phụ trợ thiếu. Với bất cập đó, vấn đề đầu tiên cần quan tâm là cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn nữa về cơ sở vật chất, đầu tư trường lớp khang trang, đầu tư trang thiết bị dạy và học đầy đủ. Để nâng cao chất lượng giáo dục miền núi, dân tộc, ngoài đầu tư cơ sở vật chất thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là công tác dạy và học. Cần đổi mới phương pháp dạy học, tiến hành đổi mới kiểm tra đánh giá để nâng cao chất lượng. Tiến hành các biện pháp như nâng cao chất lượng đội ngũ CBQL, GV, xây dựng nhà trường là trung tâm bồi dưỡng giáo viên; BGH nhà trường tăng cường dự giờ thăm lên lớp, đánh giá, xếp loại giáo viên thường xuyên để có biện pháp nâng chất lượng kịp thời. Ngoài ra, chú ý đến công tác tuyên truyền cho các bậc phụ huynh về vai trò, tầm quan trọng của việc học đối với con em của họ. Bên cạnh đó, tập chung đào tạo chất lượng giáo dục mũi nhọn, tăng cường phụ đạo học sinh yếu, quan tâm đời sống giáo viên, có nhiều chính sách hỗ trợ cho công tác dạy và học. Kịp thời có chính sách khuyến khích, động viên đối với giáo viên, học sinh người dân tộc có thành tích xuất sắc. Cùng với đó là việc xây dựng đội ngũ giáo viên đồng bộ về cơ cấu và đảm bảo chất lượng kết hợp với công tác luân chuyển để các thế hệ giáo viên yên tâm công tác vì sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp "trồng người" trên địa bàn xã. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, đoàn, đội thường xuyên có mối quan hệ chặt chẽ với với phụ huynh học sinh, các cơ quan đoàn thể khác nhằm hạn chế tối đa các hành vị tiêu cực như bạo lực học đường, ma túy học đường… Đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Mỗi nhà trường thành lập BCĐ và xây dựng kế hoạch cụ thể để phong trào đạt hiệu quả, nhằm xây dựng môi trường học an toàn, thân thiện cho học sinh. Bài, ảnh: Thúy Nga |