Một cách làm mới Năm 2004, thông qua T.Ư Hội NDVN, tổ chức phát triển nông nghiệp châu Á Đan Mạch (ADDA) đã triển khai dự án trồng rau hữu cơ ở xã Định Trung (Vĩnh Yên) trên diện tích 1,7ha. Sau khi dự án ADDA kết thúc (năm 2009), Định Trung tiếp tục được TƯ Hội Nông dân Việt Nam đầu tư triển khai dự án trồng rau an toàn (2010 – 2013) trên cơ sở duy trì quy trình, kỹ thuật trồng rau hữu cơ trước đó. Nhận thấy những lợi ích thiết thực mà dự án mang lại, nhiều hộ nông dân trong xã tích cực đăng ký tham gia. Từ chỗ chỉ có 17 hộ trong dự án ADDA, dự án rau an toàn do TƯ hội phối hợp với hội nông dân xã Định Trung triển khai đã mở rộng quy mô lên 33 hộ trên diện tích 2ha. Các hộ nông dân tham gia dự án sẽ được tập huấn, hỗ trợ về kỹ thuật trồng rau hữu cơ, đồng thời được TƯ Hội hỗ trợ 40% tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Với 33 hộ tham gia dự án, Hội nông dân xã Định Trung đã thành lập nhóm sản xuất rau hữu cơ dưới sự quản lý của hội, có nhóm trưởng chịu trách nhiệm quản lý việc sản xuất. Nhóm thường xuyên tổ chức gặp mặt trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm . Một trong những thành công lớn nhất của dự án là đem đến cho người dân xã Định Trung một cách làm mới trong sản xuất rau. Từ cách làm truyền thống, quen dùng phân hóa học, phân tươi bón trực tiếp vào đồng ruộng, các hộ được tiếp cận với quá trình chăm sóc theo đúng quy trình nông nghiệp hữu cơ: bón phân đã qua ủ ải đủ thời gian quy định, sử dụng thuốc vi sinh trừ sâu bệnh và thực hiện luân canh, xen canh cây trồng giảm thiểu việc thoái hóa đất và phòng trừ sâu bệnh hại. Bà Nguyễn Thị Thịnh – nhóm trưởng nhóm sản xuất rau hữu cơ chia sẻ một số kinh nghiệm trong sản xuất: “Từ khi tham gia dự án, chúng tôi biết được vai trò quan trọng của việc luân canh, xen canh cây trồng trong giảm thiểu sâu bệnh chẳng hạn với cây cải cúc dẫn dụ côn trùng thì mình trồng xen cây húng chó là cây giúp xua đuổi côn trùng, hay trồng cây họ đậu giúp cải tạo đất…”. Lợi nhuận gấp đôi Không chỉ giảm việc tiếp xúc với phân hóa học, thuốc hóa học, đảm bảo sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng, sản xuất rau hữu cơ còn mang lại cho những người nông dân xã Định Trung lợi nhuận gấp đôi so với sản xuất theo cách truyền thống. Ông Lê Văn Toản, Chủ tịch Hội Nông dân xã Định Trung cho biết: “Sản xuất rau hữu cây trồng sinh trưởng, phát triển chậm, năng xuất thấp, nhưng lợi nhuận lại tăng gấp đôi, nếu sản xuất theo các cho thu 90 triệu đồng/xào/năm”. Vậy câu hỏi đặt ra là: tại sao sản xuất rau hữu cơ ở Định Trung lại có hiệu quả lớn đến vậy, trong khi nhiều địa phương sản xuất rau an toàn vẫn giữ mức thu nhập như sản xuất theo cách truyền thống? Ông Toản cho biết: “Sau khi Định Trung sản xuất ra sản phẩm rau hữu cơ thành công, TƯ Hội đã giới thiệu Công ty TNHH xuất nhập khẩu và thương mại GV Việt Nam (gọi tắt là công ty GV) về thăm quan, tiếp cận với người dân và ký kết hợp đồng thu mua”. Với việc ký hợp đồng bao tiêu với công ty GV, sản phẩm rau hữu cơ ở Định Trung luôn được đặt ở mức giá cao, thường là gấp đôi so với giá rau bán trong các chợ. Mặt khác, trong hợp đồng có quy định cụ thể về giá cả, đảm bảo sự ổn định về giá, do đó, người nông dân không phải đối mặt với nguy cơ biến động lên xuống của giá cả thị trường. Nhận thấy những lợi ích thiết thực mà cách làm mới mang lại, hiện nay, ngoài nhóm sản xuất gồm 33 hộ trong dự án, trong xã đã có thêm 31 hộ đăng ký học và bước đầu sản xuất theo quy trình này. Để có được những lợi ích lớn như vậy, các hộ tham gia dự án cũng cần tuân thủ theo đúng quy trình sản xuất rau hữu cơ. Công ty GV luôn cử một cán bộ kỹ thuật hàng ngày xuống chỉ đạo giám sát việc sản xuất của người dân. Sản phẩm được đóng gói, với đầy đủ tem, mác ghi rõ họ tên, địa chỉ, ngày tháng sản xuất, và người nông dân phải chịu trách nhiệm trước công ty về sản phẩm của mình như đã ký trong hợp đồng. Song, hiện nay việc thu mua sản phẩm rau hữu cơ của công ty GV chưa thực sự đáp ứng được mong muốn của người sản xuất. Lượng rau thu mua trung bình 1,5 tạ/ngày, số rau còn lại người dân phải tự đem ra các chợ để tiêu thụ. Chị Trương Thị Oanh, một trong những thành viên của nhóm sản xuất rau hữu cơ cho biết: “Số rau còn lại phải mang ra chợ bán thường là không có lãi, rau hữu cơ sạch, ngon, nhưng mẫu mã lại thua hẳn rau ở các nơi, nên bán ở chợ rất khó bán, mà giá cũng thấp hơn”. Trao đổi về vấn đề này, bà Thịnh, Trưởng nhóm cho biết: “Chúng tôi vừa nhận được thông tin từ phía công ty GV, trong thời gian tới công ty sẽ thuê nhà, xây dựng xưởng sơ chế trong xã. Khi đó, lượng rau thu mua từ 5 tạ đến 1 tấn rau/ngày” Được biết, đến hết năm 2013, dự án trồng rau an toàn do TƯ hội phối hợp triển khai kết thúc, tuy vậy theo ông Toàn cho biết: “Sau khi dự án kết thúc, mặc dù các hỗ trợ về giống, thuốc, phân bón không còn nhưng người dân vẫn sẽ tiếp tục duy trì sản xuất rau hữu cơ và triển vọng sẽ còn mở rộng vùng sản xuất”. Bài, ảnh Nguyễn Hường |