Thưa đồng chí, đồng chí cho độc giả Báo Vĩnh Phúc biết nội dung cơ bản của việc tăng thu viện phí mà Bộ Y tế đã phê duyệt? Chính sách thu một phần viện phí của Nhà nước ta được thực hiện theo Nghị định số 95-CP ngày 27/8/1994; Thông tư số 14/TTLB ngày 30/9/1995 của Liên Bộ Y tế - Tài chính - Lao động TBXH - Ban Vật giá Chính phủ. Năm 2006, Liên tịch Bộ Y tế - Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BYT-BTC-BLĐTB&XH bổ sung danh mục giá thu một phần viện phí cho Thông tư liên bộ số 14 nói trên. Việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế lần này là cần thiết và khách quan vì mức giá thu một phần viện phí theo Thông tư 14 từ năm 1995 đến nay đã hơn 17 năm và một số dịch vụ ban hành từ năm 2006 đến nay đã 6 năm chưa được điều chỉnh cho phù hợp (trong khi tỷ số giá tiêu dùng so với năm 1995 tăng 3,4 lần, lương tối thiểu tăng 8,75 lần) dẫn tới khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập do thu không đủ bù chi trong khi nhà nước đang dần từng bước giảm bớt nguồn ngân sách chuyển đổi sang cơ chế giao quyền tự chủ cho các bệnh viện lấy thu bù chi. Chính vì vậy, ngày 29/02/2012, Liên Bộ Y tế - Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước. Theo đó, 447 giá dịch vụ y tế được ban hành lần này để thay thế cho toàn bộ danh mục giá thu một phần viện phí theo Thông tư số 14 và 80 dịch vụ tại Thông tư số 03 nói trên. Còn lại 911 dịch vụ y tế (sau khi đã trừ 80 dịch vụ) của Thông tư số 03 vẫn được thực hiện cho đến khi có hướng dẫn mới. Như vậy, số dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng giá lần này mới chỉ chiếm khoảng gần 1/3 tổng số giá dịch vụ y tế. Các nhóm giá dịch y tế được điều chỉnh lần này bao gồm: (1) Khung giá khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; (2) Khung giá một ngày giường bệnh; (3) Khung giá các dịch vụ xét nghiệm: Chẩn đoán hình ảnh; các thủ thuật, tiểu thủ thuật, nội soi; các phẫu thuật, thủ thuật theo chuyên khoa; các phẫu thuật, thủ thuật còn lại khác; xét nghiệm; thăm dò chức năng; các thăm dò và điều trị bằng đồng vị phóng xạ. Thông tư 04 được ban hành trên cơ sở đã thảo luận và thống nhất cao giữa Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam. Mức giá tối đa các dịch vụ y tế chỉ tính 3 yếu tố chi phí trực tiếp là (1) Chi phí thuốc, vật tư sử dụng cho khám bệnh, ngày giường điều trị và dịch vụ kỹ thuật; (2) Chi phí điện, nước, xử lý chất thải; (3) Chi phí duy tu, bảo dưỡng, mua sắm thay thế các tài sản, công cụ, dụng cụ nhỏ theo định mức kinh tế kỹ thuật. Giá tối đa này chưa tỉnh 4 yếu tố: (1) Tiền lương, phụ cấp; (2) Sửa chữa lớn tài sản; (3) Khấu hao nhà cửa và trang thiết bị lớn; (4) Chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Nên mức tối đa của khung giá vẫn không phải là cao vì vẫn chỉ tính một phần chi phí trực tiếp mà bệnh viện đã sử dụng nhằm mục tiêu bảo đảm, nâng cao chất lượng dịch vụ, không gây phiền hà cho người bệnh vì không để người bệnh phải tự mua thuốc, vật tư đối với một số dịch vụ mà trước đây giá thấp, người bệnh phải tự mua hoặc phải trả thêm do quỹ BHYT không thanh toán. Sau khi có chủ trương thực hiện tăng thu viện phí chính thức từ ngày 1-8-2012 thì ngành y tế đã triển khai thực hiện như thế nào? Theo quy định tại Thông tư số 04 của Liên Bộ Y tế Tài chính ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ y tế lần này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2012. Theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì mức giá dịch vụ y tế tại địa phương do HĐND tỉnh phê duyệt theo đề nghị của UBND tỉnh. Sở Y tế đã được UBND tỉnh giao xây dựng mức giá của 447 dịch vụ y tế trình HĐND tỉnh kỳ họp cuối năm 2012. Sở Y tế đã thành lập Ban soạn thảo giá dịch vụ y tế trên địa bàn tỉnh do Lãnh đạo Sở y tế làm Trưởng Ban, Lãnh đạo Sở Tài chính và BHXH tỉnh làm Phó Trưởng Ban; các thành viên bao gồm các phòng chức năng của Sở Y tế, Sở Tài chính, BHXH tỉnh và Lãnh đạo một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện. Ban soạn thảo đã họp và phân công các thành viên thực hiện từng nhóm dịch vụ. Đến nay, cơ bản đã hoàn thành phần tính toán áp giá, nhưng còn điều chỉnh tỷ lệ cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và khả năng chi trả của quỹ KCB BHYT của tỉnh. Hiện nay trên phạm vi cả nước đã có 10 tỉnh và 5 bệnh viện trung ương đã được phê duyệt mức giá để thực hiện từ ngày 1/8/2012. Vĩnh Phúc thuộc nhóm đa số các tỉnh còn lại đang chuẩn bị hoàn thiện để báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh kỳ họp tới để bắt đầu thực hiện từ 1/1/2013. Đồng chí có thể cho biết đối tượng thực hiện BHYT bắt buộc và BHYT tự nguyện cũng như đối tượng thuộc diện nghèo có thẻ BHYT có chịu tác động của đợt điều chỉnh tăng thu viện phí của lần này? Trước hết phải nói rằng, việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế lần này chưa đến mức gây ảnh hưởng gì lớn đến các đối tượng tham gia BHYT. Dư luận xã hội có quan tâm lo lắng đối với việc điều chỉnh tăng giá viện phí, nhưng việc tuyên truyền điều chỉnh giá dịch vụ y tế làm ảnh hưởng đến người nghèo và một số đối tượng chính sách xã hội là không đúng với các chính sách hiện hành của Đảng và nhà nước vì: Các đối tượng chính sách xã hội, người có công với cách mạng, hưu trí, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi… đã được nhà nước mua thẻ BHYT. Các đối tượng này thuộc diện cùng chi trả 5% thì hầu như không bị ảnh hưởng do có sự hỗ trợ của nhà nước theo Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các đối tượng này được hỗ trợ tiền ăn khi nằm viện nội trú từ tuyến huyện trở lên; hỗ trợ tiền đi lại từ nhà đến bệnh viện, từ bệnh viện về nhà và tiền chuyển viện khi nằm viện nội trú từ tuyến huyện phải chuyển lên tuyến tỉnh; được hỗ trợ một phần chi khám bệnh, chữa bệnh đối với số tiền cùng chi trả với mức từ 100.000 đồng trở lên. Đối với người cận nghèo, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 797/QĐ-TTg ngày 26/6/2012 nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo lên mức 70% và cho phép các địa phương có điều kiện về ngân sách tăng mức hỗ trợ để người cận nghèo tham gia BHYT. Hiện nay, Sở Y tế đã được UBND tỉnh giao lập Đề án hỗ trợ kinh phí cho nghèo và người cận nghèo tham gia BHYT báo cáo UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện trong thời gian tới, dự kiến đề nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ hộ cận nghèo 30% kinh phí mua thẻ BHYT. Đối với người bệnh nặng, mãn tính như chạy thận nhân tạo, mổ tim, ung thư hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do không đủ khả năng chi trả sẽ có sự hỗ trợ của quỹ KCB cho người nghèo của tỉnh được hỗ trợ một phần chi khám bệnh, chữa bệnh với số tiền từ 1 triệu đồng trở lên đối với người không có thẻ BHYT, nếu có thẻ BHYT thì áp dụng như đối với các đối tượng trên đây theo Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Khi tăng thu viện phí, số tiền thu được do tăng, ngành y tế sẽ làm gì Bộ Y tế đã Công văn số 2210/BYT-KH-TC ngày 16/4/2012 hướng dẫn triển khai Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC trong đó có hướng dẫn sử dụng nguồn thu như sau: Số thu từ các dịch vụ kỹ thuật y tế, kể cả số thu do cơ quan BHXH thanh toán cho người bệnh có thẻ BHYT theo quy định tại Thông tư liên tịch số 04 và Thông tư liên tịch số 03 được để lại toàn bộ cho đơn vị sử dụng. Đơn vị được chủ động sử dụng nguồn tài chính này cho các hoạt động thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Để nâng cao chất lượng dịch vụ, trước mắt là công tác khám bệnh và bảo đảm giường điều trị cho người bệnh, các đơn vị phải ưu tiên sử dụng nguồn thu để nâng cấp phòng khám và buồng bệnh, cụ thể: - Đối với số thu từ dịch vụ khám bệnh: Hàng năm, các đơn vị dành tối thiểu 15% số thu để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng khu vực khám bệnh; mua sắm trang bị điều hòa, máy tính, các bộ dụng cụ khám bệnh đa khoa, chuyên khoa, bàn, ghế, giường, tủ... cho các phòng khám, buồng khám. - Đối với số thu từ ngày giường điều trị: Hàng năm, các đơn vị dành tối thiểu 15% số thuu để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng các buồng bệnh, tăng số lượng giường bệnh; mua bổ sung, thay thế các tài sản như: bàn, ghế, giường, tủ, xe đẩy, điều hòa, máy tính, quạt, bộ dụng khám bệnh theo các chuyên khoa, mua chăn, ga, gối, đệm, chiếu... trang bị cho các buồng bệnh để nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, nguồn thu từ giá dịch vụ y tế còn để chi cho bộ máy nhân lực các khoản như: Trích 35% kết dư quay trở lại chi lương cho bộ máy; chi phụ cấp đặc thù; phụ cấp thường trực; phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật. Theo quy định của Chính phủ, các nguồn kinh phí chi cho các loại phụ cấp này này được cơ cấu trong giá thu dịch vụ y tế. Xin cám ơn đồng chí! Xuân Hùng (thực hiện) |