Những dấu son của tình đoàn kết Từ đầu thế kỷ XX, không cam chịu ách nô lệ, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đã đoàn kết, cùng nhau đấu tranh chống Pháp, mặc dù chỉ dừng lại ở tính chất tự phát. Ngày 3/2/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cũng là mở đầu những trang sử vẻ vang của quan hệ Việt Nam - Lào. Tháng 10/1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương, đặt phong trào cách mạng Việt Nam và Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 9/1934, Ban chấp hành Đảng bộ lâm thời Ai Lao được thành lập. Giai đoạn 1930 - 1939, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, phong trào cách mạng của nhân dân hai nước Việt Nam và Lào có nhiều ảnh hưởng, thúc đẩy cùng nhau phát triển. Đặc biệt, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng tháng 5/1941 ở Cao Bằng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã quyết định đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu đối với cách mạng Đông Dương. Năm 1944, Ban vận động Việt kiều chuyển thành Hội Việt kiều cứu quốc và thành lập Đội Tiên phong. Từ đó các chi bộ Đảng ở Viêng Chăn, Thà Khẹc, Savẳn-nàkhẹt lần lượt được củng cố. Đến đầu năm 1945, Tổng Hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái - Lào, một chi nhánh của Mặt trận Việt Minh được thành lập nhằm tham gia công cuộc giành độc lập. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, cao trào kháng Nhật phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam và tác động, hỗ trợ tích cực đến các lực lượng yêu nước Lào đứng lên đấu tranh giành độc lập. Vào tháng 4/1945, tại Thái Lan, một nhóm người Lào đứng ra thành lập tổ chức “Lào Ítxalạ” (Lào tự do), tập hợp công chức, học sinh có tinh thần yêu nước, dựa vào phe Đông Minh, chống Nhật để giành độc lập. Ngày 14/8/1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Lào. Ngày 4/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Hoàng thân Xuphanuvông lúc bấy giờ đang ở Vinh ra Hà Nội. Cuộc gặp gỡ đó có tác động mạnh mẽ, Hoàng thân Xuphanuvông tuyên bố: “Quan hệ Lào- Việt từ nay sẽ mở ra một kỷ nguyên mới...”. Ngày 12/10/1945, Chính phủ Lào Ítxalạ thành lập, tuyên bố nền độc lập. Hàng vạn nhân dân Lào phấn khởi hô vang các khẩu hiệu Lào- Việt đoàn kết. Chính phủ hai nước đã ký Hiệp ước tương trợ Lào - Việt và Hiệp định về tổ chức Liên quân Lào - Việt , đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự hợp tác và liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung. Trong những năm 1945 - 1948, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào thu được nhiều kết quả, nhất là quan hệ đoàn kết. Tháng 1/1949, Trung ương Đảng quyết định “mở rộng mặt trận Lào - Miên”, củng cố lực lượng Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và Campuchia. Tháng 10/1949, các lực lượng quân sự của Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào được tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện. Với sự nỗ lực, đoàn kết và phối hợp của Việt Nam, trong hai năm 1951 - 1952 cuộc kháng chiến của nhân dân Lào giành được kết quả quan trọng về chính trị, quân sự, văn hóa, ngoại giao. Sau chiến thắng Thượng Lào, Ban cán sự Đảng Lao động Việt Nam tại Lào đã giúp đỡ bạn thành lập “Ban vận động thành lập Đảng nhân dân Lào”. Ngày 7/5/1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp bị tiêu diệt hoàn toàn. Chiến công oanh liệt này đã góp phần thúc đẩy quá trình tan rã của chủ nghĩa thực dân cũ. Đó là thắng lợi của khối đoàn kết chiến đấu giữa quân đội và nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Ngày 10/1/1958, Ban chỉ đạo Đảng nhân dân Lào gửi thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khẳng định về sự đóng góp quan trọng của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đối với cách mạng Lào. Do bị thất bại nặng nề trên các mặt trận, ngày 23/7/1962, đế quốc Mỹ buộc phải ký kết Hiệp định Giơnevơ công nhận nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Lào. Đến ngày 5/9/1962, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Vương quốc Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngày 5/5/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào quyết định phát động toàn Đảng toàn dân, toàn quân Lào nổi dậy giành chính quyền thắng lợi. Đến tháng 12/1975, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ra đời; đó là thắng lợi quan trọng, vẻ vang của mối quan hệ đặc biệt, liên minh đoàn kết chiến đấu, thủy chung giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào. Việt - Lào hướng tới tương lai Ngày 18/7/1977, hai nước chính thức ký kết các hiệp ước: “Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào”, “Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào” và “Tuyên bố chung” đã tăng cường sự tin cậy và hợp tác lâu dài giữa hai nước. Hiện Việt Nam đang đứng thứ hai trong số các nước đầu tư vào Lào, với hơn 400 dự án được cấp phép và tổng vốn đăng kí gần 5 tỉ USD. Các dự án của Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực mà Lào có tiềm năng, thế mạnh như: nông, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, giao thông vận tải, dịch vụ, viễn thông… các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam được thực hiện ở Lào đã góp phần làm thay đổi cơ cấu, thúc đẩy nền kinh tế Lào phát triển, tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng, năm 2011 đạt 734 triệu USD. Việt Nam đã trở thành bạn hàng lớn thứ ba của Lào về thương mại. Hai bên đang phấn đấu để kim ngạch hai chiều đạt 1 tỷ USD vào năm 2012 và đạt 2 tỷ USD vào năm 2015. Hợp tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công cuộc xây dựng đất nước được coi là lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược lâu dài và được Đảng, Nhà nước hai bên hết sức quan tâm. Số lượng cán bộ Lào được học tập, đào tạo tại Việt Nam ngày càng tăng về số lượng và ngành nghề đào tạo đã đáp ứng kịp thời yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước của Lào. Mỗi năm, Việt Nam dành cho Lào từ 600 đến 700 suất đào tạo ngắn hạn và dài hạn. Hiện nay, có gần 6.000 lưu học sinh Lào đang học tại các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam và gần 500 lưu học sinh Việt Nam đang học tại các trường đại học ở Lào. Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh luôn được tăng cường chặt chẽ và hiệu quả, góp phần bảo đảm vững chắc và ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của mỗi nước, làm thất bại âm mưu và hành động của các thế lực thù địch luôn tìm cách xuyên tạc, chia rẽ quan hệ giữa hai Đảng và nhân dân hai nước. Việc xây dựng đường biên giới hai nước thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển được đặc biệt quan tâm. Hiện nay, dự án tôn tạo, tăng dày mốc quốc giới đang được triển khai tốt. Việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong các hoạt động song phương, đa phương; tham khảo ý kiến, phối hợp với nhau trong các vấn đề liên quan được hai bên tiến hành thường xuyên. Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, vừa có thuận lợi, vừa có khó khăn, thách thức, nhưng với quyết tâm và nỗ lực cao nhất của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam - Lào, chắc chắn rằng, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước sẽ mãi mãi được gìn giữ, vun đắp. Phương Loan |