Theo Quyết định 315/QĐ - BGTVT của Bộ Giao thông - Vận tải về hướng dẫn lựa chọn quy mô, kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020, bề mặt nền tuyến đường xã phải rộng từ 4 - 5m (bao gồm cả lề đường, rãnh thoát nước...), bề rộng mặt đường từ 2,5 - 3,5m... Do vậy, ở một số địa phương, các tuyến đường liên thôn, liên xóm cần phải được nâng cấp, cải tạo với nguồn vốn khá lớn. Và theo quy định chung, Nhà nước bỏ vốn 70%, nhân dân đóng góp 10% và huy động 20% còn lại từ phía các thành phần kinh tế khác, cụ thể là các doanh nghiệp. Trong khi số doanh nghiệp đóng trên địa bàn các xã vẫn còn rất khiêm tốn, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ. Đó là chưa kể đến những xã thuần nông, xã miền núi, có tỷ lệ hộ người dân tộc thiểu số đông, đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn... Thực tế trên cho thấy việc huy động vốn trong nhân dân và các doanh nghiệp để phát triển đường giao thông nông thôn (GTNT) là không dễ dàng. Hiện nay, các địa phương trong toàn tỉnh đang rất tích cực triển khai đầu tư các công trình giao thông để sớm đưa vào sử dụng phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Đến hết tháng 6 - 2012, 20 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh đã hoàn thành được hơn 40 km đường giao thông nội đồng và GTNT với tổng kinh phí trên 58 tỷ đồng. Trên địa bàn toàn tỉnh đã xây dựng được gần 60 km rãnh thoát nước mới và làm được hơn 160 m2 nắp đậy hệ thống rãnh thoát nước. Có thể nói, những cố gắng của các cấp chính quyền và nhân dân trong tỉnh đang từng ngày, từng giờ góp phần tích cực, làm đổi thay bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện và “cái đích” trở thành xã nông thôn mới vào năm 2015 sẽ còn nhiều gian nan đối với một số địa phương trong tỉnh, đặc biệt là trong việc thực hiện tiêu chí GTNT. Là một xã miền núi nghèo của huyện Tam Đảo, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thời gian qua, chính quyền và nhân dân xã Yên Dương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng; chung sức, đồng lòng trong việc phấn đấu thực hiện tiêu chí giao thông. Toàn xã có 52 km đường cần phải bê tông cứng hóa, nhưng cho đến thời điểm này, xã mới chỉ thực hiện được 50% chỉ tiêu kế hoạch đề ra và mới chỉ có khoảng 20% đường liên xóm đạt tiêu chuẩn, còn gần 80% chiều dài đường giao thông nông thôn không đạt yêu cầu về bề rộng của tiêu chí chuẩn. Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với địa phương là nguồn vốn thực hiện và vấn đề mặt bằng để hoàn thiện các tuyến đường trong xã. Bởi lẽ, trước đây chiều rộng các tuyến đường trục chính trong xã đều rất hẹp, nay cần được mở rộng thì lại vướng mắc trong khâu đền bù cho người dân khi giải phóng mặt bằng. Chiều rộng của các tuyến đường ở Yên Dương hầu hết là 3 - 3,5 m, tuy nhiên lại không có đủ diện tích để thiết kế và xây dựng lề đường, hệ thống rãnh thoát nước. Nhận định về vấn đề này, lãnh đạo chính quyền địa phương cho biết đây là vấn đề lịch sử để lại nên rất khó giải quyết. Việc mở rộng để đạt chuẩn theo tiêu chí là vô cùng khó khăn, bởi muốn mở rộng đường theo đúng tiêu chuẩn thì sẽ ảnh hưởng vào nhiều diện tích đất ở đã xây dựng nhà kiên cố của các hộ dân. Do vậy, thời gian qua, chính quyền địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để chung tay xây dựng NTM, đặc biệt là thực hiện tiêu chí GTNT. Song cho đến nay, toàn xã mới chỉ có 9,5 km đường trục chính đạt tiêu chuẩn theo quy định. Theo dự toán của xã, để hoàn tất việc kiên cố hóa những tuyến đường GTNT còn lại đạt chuẩn nông thôn mới, phải cần đến nguồn vốn lên đến hàng chục tỷ đồng. Trong khi nguồn vốn vận động từ nhân dân hầu như là không có, thêm vào đó tổng thu ngân sách toàn xã mỗi năm còn rất hạn hẹp, rất khó để Yên Dương kiên cố hóa những tuyến đường GTNT còn lại theo đúng lộ trình và theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật nếu không có sự hỗ trợ thêm từ phía tỉnh, huyện. Từ thực tế ở Yên Dương, cũng như ở một số địa phương còn nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh, có thể nhận thấy rằng, để đạt được những mục tiêu, trong đó có tiêu chí giao thông, cần có sự đầu tư tập trung cho các địa phương nhiều hơn từ phía Nhà nước, các cấp chính quyền từ tỉnh, huyện. Việc hoàn thành tiêu chí về giao thông tuy khó nhưng không phải là không thực hiện được. Trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp mà nhu cầu vốn đầu tư phát triển mạng lưới giao thông lớn, khi triển khai thực hiện liên quan đến quyền lợi người dân, các địa phương cần xây dựng lộ trình đầu tư cụ thể. Bên cạnh đó, cần huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của chương trình xây dựng NTM. GTNT sẽ không còn là một bài toán quá khó nếu các cấp chính quyền có sự phối hợp đồng bộ. Và nên chăng, cần có sự điều chỉnh hợp lý trong các tiêu chí để phù hợp với thực tế của một số địa phương trong quá trình triển khai xây dựng NTM. Bài, ảnh: Việt Sơn |