Theo số liệu thống kê của các huyện, thành, thị thì tình trạng bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng qua các năm: năm 2010, toàn tỉnh có 276 vụ bạo lực gia đình, đến năm 2011, số vụ đã tăng lên 497. Nạn nhân chủ yếu trong các vụ bạo lực gia đình là phụ nữ, chiếm 74,45% và trẻ em, chiếm 15,49%. Và cũng theo thống kê của ngành toà án, y tế: trong 2 năm (2010 - 2011) toàn tỉnh có trên 2150 vụ ly hôn, riêng năm 2011 có 1.173 vụ ly hôn thì có đến 240 vụ án ly hôn có liên quan đến bạo lực gia đình. Đặc biệt, có 164 vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong số 497 vụ bạo lực gia đình(năm 2011), chỉ có 33 nạn nhân đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế, còn hầu hết nạn nhân trong các vụ bạo lực gia đình giấu diếm vì giữ thể diện cho mình, gia đình và người thân và khi được phát hiện thì đã quá muộn. Điển hình như vụ bạo hành của người chồng là Nguyễn Tiến Thịnh đối với vợ là Lê Thị Lý ở phường Hùng Vương - Phúc Yên; vụ Lê Tuấn Anh giết cha đẻ của mình ở thôn Chùa Vàng, xã Minh Quang - Tam Đảo; vụ Nguyễn Văn Xuân ở thôn An Khang, xã Yên Thạch - Sông Lô đánh mẹ đẻ phải nhập viện vì để sổng mất 3 con chim chào mào… Từ thực trạng trên, có thể xác định, tình trạng bạo lực gia đình tồn tại dưới nhiều hình thức: bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục. Tuy nhiên, hình thức bạo lực chủ yếu vẫn là đánh đập thể xác, chiếm gần 66% số vụ bạo lực gia đình; đối tượng bị bạo lực chủ yếu là phụ nữ, người gây ra bạo lực chủ yếu là nam giới. Qua theo dõi, khảo sát và đánh giá của các cơ quan chức năng, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ bạo lực gia đình là: sự bất bình đẳng về giới, thiếu hiểu biết về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; thiếu các kỹ năng ứng xử và cách giải quyết không phù hợp khi trong gia đình có sự mâu thuẫn, xung đột; điều kiện sống, làm việc và môi trường gia đình( tình trạng nghiện ngập may tuý, rượu, chè,cờ bạc, thất nghiệp, kết hôn sớm, ép kết hôn, ngoại tình) là những yếu tố tác động đến thực trạng này. Mặt khác, cộng đồng còn thờ ơ với hành vi bạo lực gia đình, công tác tuyên truyền, giáo dục, răn đe chưa hiệu quả…. Nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, ngay sau khi Luật Phòng chống bạo lực gia đình có hiệu lực, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình tỉnh; ban hành Kế hoạch về triển khai thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình giai đoạn 2008-2015. Đồng thời chỉ đạo các ngành xây dựng các mô hình điểm Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và Nhóm phòng chống bạo lực gia đình; xây dựng hệ thống dữ liệu cơ bản về phòng chống bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch với vai trò là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về công tác gia đình chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành, thị trong công tác phòng chống bạo lực gia đình. Việc xây dựng thí điểm Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và Nhóm phòng chống bạo lực gia đình(gồm 5 thành viên chính là Công an viên, Trưởng thôn, Chi hội phụ nữ, CCB, Hội Nông dân) đã và đang mang lại những hiệu quả trong công tác phòng chống bạo lực gia đình. Hiện nay, toàn tỉnh có 30 mô hình điểm về phòng chống bạo lực gia đình ở 5 xã của huyện Yên Lạc, các xã được lựa chọn xây dựng làng văn hoá trọng điểm, những nơi có đồng bào dân tộc sinh sống và 17 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Với chức năng là tư vấn, hoà giải và can thiệp kịp thời các vụ bạo lực gia đình, CLB gia đình phát triển bền vững có từ 25-30 thành viên đã tổ chức sinh hoạt định kỳ 3 tháng/lần, nội dung sinh hoạt được tập trung vào 14 nhóm vấn đề: truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, giáo dục ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, kiến thức gia đình, kỹ năng giữ gìn hạnh phúc gia đình, bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, chăm sóc sức khoẻ cho người già, trẻ em… Việc triển khai thí điểm mô hình can thiệp phòng chống bạo lực gia đình đã có giúp người dân nâng cao nhận thức về thực hiện tốt Luật Phòng chống bạo lực gia đình, các kiến thức, kỹ năng ứng xử trong gia đình, từng bước giảm thiểu các vụ bạo lực gia đình. Nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, trong thời gian tới việc làm trước hết cần tiếp tục nâng cao nhận thức của nhiều cấp uỷ, chính quyền, nhất là cơ sở về công tác quản lý Nhà nước về gia đình và phòng chống bạo lực gia đình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình để chính quyền, người dân vào cuộc xử nghiêm và lên án những vụ bạo lực gia đình. Các cấp, ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, xây dựng làng xã, gia đình văn hoá, xây dụng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”… góp phần đẩy lùi các hành vi, vụ bạo hành trong mỗi gia đình, cộng đồng, xã hội. Hoàng Nga |