Hoàng Đan là một xã thuần nông với 82% dân số làm nông nghiệp, không có làng nghề truyền thống. Đến nay, số hộ nghèo trong xã chiếm hơn 16%, so với mặt bằng chung của huyện Tam Dương là khá cao. Tổng giá trị sản xuất đạt hơn 80 tỷ đồng/năm, trong đó nông nghiệp chiếm hơn 60%. Con số trên cho thấy Hoàng Đan chưa có nền kinh tế triển mạnh bởi giá trị sản xuất thấp, tỷ trọng nông nghiệp cao. Trong khi đó, dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới của xã là hơn 290,534 tỷ đồng, như vậy mỗi năm địa phương này cần hơn 90 tỷ đồng để hoàn thành các tiêu chí còn lại. Đặt giả thiết, nếu huy động được các nguồn vốn đầu tư, kêu gọi được nhân dân đóng góp, thì mỗi năm Hoàng Đan cũng phải hoàn thành từ 3-4 tiêu chí. Điều đáng nói là những tiêu chí này rất khó thực hiện, không chỉ cần sự đầu tư cơ sở hạ tầng mà còn ý thức, nỗ lực và đồng thuận của nhân dân. Ví dụ như tiêu chí về văn hoá, hộ nghèo, thu nhập… Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trong xã chiếm hơn 16% trên tổng số gần 2000 hộ dân. Theo quy định nông thôn mới, tiêu chí hộ nghèo đạt dưới 7%. Như vậy, trong 3 năm Hoàng Đan phải giảm được 9% số hộ nghèo. Là một xã thuần nông, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, nghiệp chiếm hơn 70%. Theo quy định về tiêu chí cơ cấu lao động, số lao động trong lĩnh vực này chỉ dưới 50%. Xã đã đưa ra lộ trình cụ thể, đến hết năm 2012, số hộ nghèo giảm con 9,8%, số lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm còn 58%; đến năm 2015 hoàn thành theo quy định. Với 11 tiêu chí còn lại, Hoàng Đan đã xây dựng lộ trình cụ thể của từng năm, và đến năm 2015 đều hoàn thành. Để đạt được mục tiêu này, là rất khó khăn. Đảng ủy xã không thể đem tiền chia cho người dân để giảm hộ nghèo hay thay đổi cơ cấu lại lao động, làm tăng tỷ lệ gia đình văn hóa… Vấn đề cốt yếu nhất có lẽ phải bắt nguồn từ nền kinh tế. Sản xuất phát triển, thu nhập người dân tăng cao, đời sống tương đối ổn định, khi đó các tiêu chí còn lại không khó để thực hiện. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần phải có quá trình lâu dài, bởi hiện nay giá trị sản xuất nông nghiệp còn cao, tiểu thủ công nghiệp chỉ chiếm 20%, thương mại, dịch vụ chưa phát triển mạnh, mới chỉ đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân trong xã. Trong khi đó, tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn đạt dưới 50% so với bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới… Ông Nguyễn Xuân Ất, Chủ tịch UBND xã Hoàng Đan, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã cho biết: Muốn trở thành một xã nông thôn mới theo đúng lộ trình, một yếu tố rất quan trọng là tạo được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về chủ trương xây dựng nông thôn mới phải được đẩy mạnh. Đồng thời xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả, thường xuyên tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; quy hoạch vùng sản xuất hoa màu và lúa trên 10.000 ha; vùng nuôi trồng thủy sản rộng gần 12 ha; tiến tới sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung. Giữ vững và nâng cao hiệu quả sản xuất của các ngành nghề hiện có, mở rộng các ngành nghề dịch vụ; xây dựng các cụm công nghiệp, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Vận động nhân dân đóng góp tiền của và ngày công, hiến đất xây dựng, mở rộng các công trình công cộng. Phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới tới các ban, ngành, đoàn thể, khu dân cư… Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng để trở thành một xã nông thôn mới, điều quan trọng nhất cần có sự đoàn kết, đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Kim Ngân |