Đi tìm câu trả lời, chúng tôi đến Công ty Cổ phần Môi trường và dịch vụ đô thị(CPMT&DVĐT) Vĩnh Yên, đơn vị quản lý hệ thống thoát nước của thành phố. Theo ông Nguyễn Văn Thực, Giám đốc Công ty cho biết: Hệ thống mạng lưới thoát nước mưa thành phố Vĩnh Yên được thiết kế, xây dựng từ thời Pháp thuộc. Ngay trong quá trình thiết kế chi tiết,(các trận mưa lớn nhất từ năm 1984) thành phố Vĩnh Yên cũng đã xảy ra ngập úng. Nguyên nhân chủ yếu do kích thước của cống thoát nước tương đối nhỏ, các cửa thu và hệ thống thoát nước thường xuyên bị tắc nghẽn. Trong khi đó, nguồn tiếp nhận nước mưa và nước thải đều đổ ra Đầm Vạc, sau đó xả ra Sông Phan cũng thường xuyên bị tắc(do kích thước đường ống quá nhỏ). Mặt khác quá trình đô thị hoá nhanh; công tác đầu tư cho cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước hàng năm cũng hạn chế. Ý thức của người dân (đổ rác bừa bãi, lấp hết các cửa thu để tránh mùi) làm cho hệ thống thoát nước liên tục tắc, nghẽn. Vì thế, có thời điểm, chưa mưa, hệ thống cống thoát nước đã tắc, chứ chưa nói mưa lớn kéo dài ngày. Khắc phục tình trạng trên, thời gian qua UBND thành phố chỉ đạo Công ty CPMT&DVĐT Vĩnh Yên kịp thời xử lý các khu vực bị úng lụt cục bộ, các điểm thắt nút, nghẽn đường cống, điểm xả. Ngoài ra, UBND thành phố đã xây dựng dự án đề nghị tỉnh đầu tư cải tạo, xây mới toàn bộ hệ thống thoát nước của thành phố nhằm giải quyết tốt vấn đề thoát nước, xử lý nước thải của thành phố trong quá trình đô thị hoá. Ông Trần Ngọc Oanh, Chủ tịch UBND thành phố Vĩnh Yên cho biết: Xây dựng thành phố hiện đại văn minh, một trong những việc chúng tôi phải làm, đó là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Trước mắt, phải giải quyết dứt điểm các bất cập do quá trình đô thị hoá của thành phố. Dự án thoát nước mưa và xử lý nước thải sẽ là tiền đề của một trong số các dự án khác của thành phố, sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới, nhằm khắc phục triệt để những vấn đề về môi trường, đô thi. Khi dự án hoàn thành, đưa vào khai thác, sẽ giải quyết tốt tình trạng tắc nghẽn đường ống, chống ứ đọng nước, tránh để xảy ra ngập lụt cục bộ, nếu mưa lớn kéo dài; giải quyết tốt vấn đề môi trường, trả lại vẻ đẹp thuần khiết cho Đầm Vạc. Ông Phạm Quang Thắng, Giám đốc Ban quản lý Cải thiện môi trường đầu tư Vĩnh Phúc, đơn vị chủ đầu tư, có trách nhiệm quản lý, triển khai Dự án cho biết thêm: Dự án cải tạo hệ thống thoát nước của thành phố Vĩnh Yên được đầu tư bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản, có trị giá 430 tỷ đồng đang tích cực triển khai, phấn đấu hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm năm 2013. Dự án gồm 3 hạng mục: hệ thống đường ống thu gom nước thải sinh hoạt chiều dài 25,459 km, 5 trạm bơm chuyển bậc nước thải và xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Các dự án trên đang tập trung triển khai, đẩy nhanh tiến độ. Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, tổng khối lượng thi công thực tế của Nhà thầu đạt khoảng 24% khối lượng so với hợp đồng. So với tiến độ, hiện nay Dự án đang bị chậm, hiện nay, còn 3 hộ chưa nhận tiền bồi thường GPMB. Quá trình thi công đang gặp một số khó khăn vì liên quan đến các khu vực dân cư. Thêm vào đó, công tác chuẩn bị trước khi thi công của nhà thầu không tốt như chuẩn bị tài liệu trước khi phê duyệt kém chất lượng; nhân lực, máy móc, thiết bị phục vụ thi công chậm và thiếu chuyên nghiệp… Theo nhận định của lãnh đạo thành phố Vĩnh Yên, Dự án cải tạo cấp thoát nước thành phố Vĩnh Yên có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của thành phố và của tỉnh. Đây là dự án không chỉ đơn thuần giải quyết vấn đề thoát nước mưa, xử lý nước thải mà còn xây dựng môi trường sống, mỹ quan đô thị, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội, hướng tới xây dựng Vĩnh Yên- thành phố hiện đại văn minh trong tương lai. Do vậy, để dự án hoàn thành đúng tiến độ, sớm đưa vào khai thác trong thời gian tới tỉnh cần quyết liệt hơn nữa, tập trung chỉ đạo các sở, ngành và địa phương liên quan đến Dự án làm tốt công tác GPMT, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư; đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công; đồng thời tổ chức giám sát công tác thi công chặt chẽ và sớm nghiệm thu các hạng mục công trình đưa vào vận hành, khai thác, góp phần giải quyết tốt vấn đề đô thị hoá nhanh chóng của thành phố hiện nay. Bài, ảnh: Văn Cường |